Multimedia Đọc Báo in

Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

17:36, 16/03/2016

Hạn hán khốc liệt đã khiến hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhiều nơi, người dân phải đi lấy nước ở sông suối cách nhà từ 3-4 km về phục vụ sinh hoạt của gia đình.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Krông Ana, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn. Còn tại TP. Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã phải cúp nước luân phiên do nguồn cung cấp nước cho các nhà máy bị thiếu hụt.

Huyện Krông Búk, địa phương đang đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt hiện nay nhiều hồ đập, giếng đào, giếng khoan đã cạn trơ đáy. Tại xã Ea Sin, địa phương bị hạn nặng nhất huyện nhiều vườn cà phê đã héo rũ còn người dân thì đang phải chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Theo thống kê của UBND xã Ea Sin, trên địa bàn hiện đã có khoảng 500 hộ dân phải “chạy nước ăn” từng bữa. Anh Giả Đức Diện ở buôn Cư M’tao cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, anh phải đi chở nước từ dưới hồ chứa cách đó khoảng 3 km về sử dụng. Khu dân cư anh ở nằm trên đồi cao nên nguồn nước ngầm tụt xuống rất nhanh, nhiều giếng khoan sâu cả trăm mét nay đã khô cạn nên bà con phải kéo nhau đi lấy nước từ hồ về dùng, nhưng chỉ dùng để tắm, rửa, còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình, mỗi ngày dùng tiết kiệm cũng phải mất hơn 10.000 đồng.

Người dân huyện Krông Búk đang nạo vét giếng để tìm nước sinh hoạt.
Người dân huyện Krông Búk đang nạo vét giếng để tìm nước sinh hoạt.

Không riêng gì ở vùng nông thôn, tại TP. Buôn Ma Thuột  từ một tuần nay, nhiều khu vực đã bắt đầu phải đối mặt với tình trạng bị cúp nước luân phiên. Để có nước sử dụng thường xuyên, người dân phải mua sắm thêm vật dụng dự trữ nước.  Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, hiện nay, cụm 27 giếng khoan khai thác nguồn nước ngầm mực nước đang sụt giảm nhanh chóng, công suất khai thác tối đa chỉ đạt khoảng 70%, còn 3 mạch lộ thiên, lượng nước đã giảm đến 50% và vẫn đang tiếp tục giảm.  Do nguồn cung cấp hạn chế nên công suất cấp nước tối đa của đơn vị chỉ đạt khoảng  40.000 m3 ngày/đêm (so với bình thường là 50.000 m3 ngày/đêm). Để điều tiết việc cung cấp nước, bảo đảm cho tất cả khách hàng đều có nước sinh hoạt, Công ty buộc phải cúp nước luân phiên ở một số khu vực, việc này đã được thông báo rộng rãi đến người dân, để họ chủ động  dự trữ nước.

Theo Sở NN-PTNT, mùa khô năm nay dự kiến sẽ kéo dài hơn mọi năm khoảng 2 tháng, tình hình hạn hán sẽ còn nghiêm trọng hơn, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt sẽ lên con số kỷ lục khoảng 25.000 hộ. Để đối phó với tình hình trên, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát trữ lượng nước trên địa bàn, từ đó có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm; nạo vét kênh mương; đắp các đập tạm để giữ nước…. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây về công tác chống hạn trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu địa phương phải quyết liệt trong công tác chống hạn để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, trong đó, đặc biệt phải ưu tiên nguồn nước cho bệnh viện, trường học và sinh hoạt của người dân.

Một số địa phương như Ea H’leo, Buôn Đôn, Cư M’gar, cũng đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho người dân nạo vét giếng đào, khoan giếng để cung cấp nước tập trung, bảo đảm cho người dân có nước sinh hoạt.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.