Multimedia Đọc Báo in

Hiến đất làm đường vì lợi ích cộng đồng

17:34, 16/03/2016

Giữa thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, những người nông dân ở xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột vẫn sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất đang trồng cây của gia đình để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn,  phục vụ cho lợi ích chung của mọi người.

Có mặt trên đoạn đường mới được bê tông hóa ở thôn 1, xã Hòa Xuân, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của người dân nơi đây. Hơn 20 năm sinh sống ở mảnh đất này, ông Phạm Mạnh Hùng đã từng trải qua bao khó khăn vất vả mới gây dựng được khu vườn trồng cây các loại mang lại hiệu qủa kinh tế cao, nhưng khi địa phương có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, ông đã tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất và đóng góp trên 50 triệu đồng. Ông còn đi vận động người dân trong xóm đóng góp với tổng số tiền 75 triệu đồng để bê tông hóa đoạn đường nội thôn dài hơn 300 m. Không những thế, để hiến phần diện tích đất trên ông Hùng đã chặt bỏ nhiều loại cây đã trồng hàng chục năm nay và đang cho thu hoạch như cà phê, tiêu … mà không đòi hỏi một khoản tiền bồi thường nào. Để làm được đoạn đường này, UBND TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ xi măng (37,5 tấn), còn lại do nhân dân tự đóng góp; trong khi đó, cả xóm chỉ có 10 hộ dân sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn nên dù rất ủng hộ việc làm đường, mỗi hộ cũng chỉ có thể góp từ 1 - 2 triệu đồng. Ông Hùng chia sẻ: “Khi địa phương triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi sẵn sàng đóng góp tiền bạc, đất đai để làm đường giao thông nông thôn bởi nó sẽ phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Hơn thế nữa, có đường bê tông thoáng đãng, sạch sẽ cũng giúp ích nhiều cho gia đình tôi trong việc đi lại cũng như sản xuất, kinh doanh”. Khi triển khai làm đường, ông Hùng và người dân trong khu vực đã bỏ ngày công lao động để phát dọn cây cối hai bên đường, rải đá dăm nhằm tiết kiệm chi phí; riêng ông Hùng là người đứng ra chịu trách nhiệm giám sát việc thi công. Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn đường đất trước kia nhỏ hẹp lởm chởm ổ voi, ổ gà, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng bụi bay mù mịt ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, nhất là các cháu học sinh mỗi khi đi học, nay đã đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Khải (bên phải) đã tự nguyện  hiến đất làm đường.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Khải (bên phải) đã tự nguyện hiến đất làm đường.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2014, khi con đường nối các thôn 1, 3, 4 ở xã Hòa Xuân được triển khai xây dựng, hầu hết các hộ dân dọc tuyến đường đã tự nguyện hiến tổng cộng hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường. Trong đó, phải kể đến tấm gương tiêu biểu của cựu chiến binh Hoàng Văn Khải (thôn 1) đã hiến hơn 200 m2 đất, tự nguyện chặt hơn 100 trụ tiêu để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Không chỉ nêu gương, ông Khải còn tích cực vận động bà con, anh em tại các thôn nơi tuyến đường đi qua cùng tham gia hiến đất để làm đường. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng hoàn thành, bàn giao cho đơn vị thi công. Dự kiến, tuyến đường này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6-2016 với chiều dài hơn 3 km, rộng 9 m.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Hòa Xuân, trong 5 năm qua (2011-2015) người dân đã đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. Nhờ đó, nhiều tuyến đường nội thôn, liên thôn, buôn đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân; đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Xã Hòa Xuân phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm nay.

Có thể nói, đất là tài sản quý nhất của người nông dân, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng họ sẵn sàng đóng góp mà không tính toán hơn thiệt. Việc hiến đất, dỡ bỏ cây cối, hoa màu đang canh tác trên đất của ông Hùng, ông Khải là một vài điển hình trong rất nhiều tấm gương về hiến đất làm các công trình trong xây dựng nông thôn mới; chính họ đã tạo sức lan tỏa to lớn, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của mình để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.