Rèn tính tự lập cho con
Anh bạn tôi cưới vợ muộn, 35 tuổi mới có con trai đầu nên cả nhà rất mừng, cha mẹ và vợ anh hết mực cưng chiều “hoàng tử” bé. Riêng anh quyết dạy con tính tự lập ngay từ nhỏ. Khi bé đi chưa vững, hay bị ngã, anh để con tự đứng lên thay vì rối rít xuýt xoa như nhiều người mẹ vẫn làm. Lúc con cầm được muỗng, anh để nó tự xúc ăn, dù cơm rơi vãi nhiều hay bôi cả cháo lên mặt. Con lớn lên chút nữa, anh để nó tự mặc quần áo, gấp chăn màn, sắp xếp góc học tập rồi bày con rửa chén, quét nhà, xách nước tưới cây… Anh cho con tập đi xe đạp, tập bơi, trượt pa-tanh ngay khi còn nhỏ. Anh bảo cũng xót xa lắm khi thấy con trượt ngã, trầy xước rớm máu nhưng vẫn cố tỏ ra bình thản. Những lúc con chán nản hay yếu đuối, anh thường động viên, “khích tướng”: “Con lớn rồi”, “Là con trai, phải mạnh mẽ lên chứ”. Lúc con vào lớp 6, anh để con đạp xe đi học thay vì đưa đón thường xuyên như nhiều người vẫn làm. Những ngày đầu, anh lẳng lặng chạy xe phía sau, khi con vào cổng trường, anh mới yên tâm quay về. Quyết tâm dạy con vì anh biết mình không thể mãi dắt tay con suốt cuộc đời.
Lúc đầu, vợ anh không đồng tình với cách dạy con có phần nghiêm khắc của chồng, chị theo xu hướng muốn bao bọc cho con. Kiên quyết với con, anh càng phải kiên quyết hơn với vợ và ông bà. Nhờ được rèn tính tự lập từ bé nên con trai bạn tôi khá tự tin khi vào đời. Mới rồi, khi học xong đại học, cậu chỉ xin mẹ vài trăm ngàn đồng để khám sức khỏe, mua hồ sơ rồi tự tìm việc làm. Cậu trúng tuyển vào một công ty nước ngoài, một phần cũng nhờ cách ứng xử nằm ngoài khả năng chuyên môn. Chẳng hạn, khi vào phòng phỏng vấn, thấy quyển sách bị vứt ở góc phòng (do nhà tuyển dụng cố bày ra để thử thí sinh), cậu liền nhặt để trên bàn, bước vào phòng liền quay lại khép cửa vì đang mở máy lạnh, lúc đứng lên chào ra về thì nhấc ghế để gọn vào gầm bàn… Chính người phỏng vấn sau đó đã nói rằng, những cử chỉ rất nhỏ như thế nhưng không phải bạn trẻ nào cũng làm được.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc