Multimedia Đọc Báo in

Sáng tạo trong xây dựng gia đình 5 không 3 sạch

09:17, 23/03/2016

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, các cấp hội phụ nữ huyện M’Đrắk đã khéo léo đưa các nội dung của phong trào “5 không, 3 sạch” vào cuộc sống, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Phụ nữ xã Ea Lai nhằm hưởng ứng phong trào “5 không 3 sạch”. Để giúp phụ nữ đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, Hội đã phân hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thành các nhóm để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Sau khi phân loại, Hội phân công các chi hội nhận đỡ đầu và tranh thủ các nguồn vốn như tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi để chị em có điều kiện giao lưu học hỏi và ứng dụng vào thực tế của gia đình mình. Bằng các hình thức phù hợp, hội đã giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có được cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững. Chị Phan Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, ngoài nguồn vốn tín chấp từ Ngân hàng, các chi hội còn xây dựng nguồn quỹ thông qua các mô hình, CLB như nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng, ống tiền tiết kiệm, nuôi heo đất… để giúp hội viên phụ nữ nghèo. Số lãi thu được từ nguồn quỹ này sẽ được các chi, tổ, hội phụ nữ tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, gặp mặt các gia đình tiêu biểu, khen thưởng cuối năm, tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo và thăm hỏi các gia đình chính sách trên địa bàn. Các hoạt động như vậy tạo điều kiện cho chị em chia sẻ tâm tư tình cảm tạo sự gắn bó tình đoàn kết giữa các hội viên.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) tham quan  mô hình trồng tiêu của hội viên.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) tham quan mô hình trồng tiêu của hội viên.

Hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Phụ nữ xã Krông Jing đã tích cực hướng dẫn hội viên, phụ nữ ký cam kết xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngay từ những ngày đầu phát động, cán bộ Hội sẽ được phân công đi đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ dọn dẹp nhà ở ngăn nắp, xây dựng nhà vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở để bảo đảm vệ sinh… Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên việc có được giếng nước sạch và công trình vệ sinh riêng là điều mà chị H’Wơi Arul (buôn Mlai) mong ước lâu nay. Đầu năm 2015, thông qua Hội Phụ nữ xã, vay được 12 triệu đồng từ nguồn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cộng thêm sự giúp đỡ thêm của Chi hội phụ nữ thôn, chị H’Wơi đã xây dựng được công trình vệ sinh, đào giếng và mua bồn chứa nước sinh hoạt cho gia đình với tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Chị H’Wơi chia sẻ: “Có công trình vệ sinh mới, không chỉ giúp mọi người trong gia đình thuận tiện hơn khi sinh hoạt mà còn có thể góp phần phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm nên ai cũng phấn khởi. Ngoài ra, để giữ gìn vệ sinh môi trường, cứ mỗi tháng 1 lần, tôi cùng với các chị em trong chi hội tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Hoạt động này đã dần hình thành thói quen tốt cho mọi người trong buôn”.

Để cuộc vận động thực sự đạt hiệu quả, Huyện Hội thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn về kế hoạch hóa gia đình, kiến thức nuôi dạy con theo khoa học… Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt, để tạo sự hào hứng, thu hút chị em tham gia, các chi hội lựa chọn nội dung phù hợp và lồng ghép trong các chương trình văn nghệ với các chủ đề về chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc, thảo luận về bốn phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, hay vấn đề nổi cộm về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn... Nhờ vậy, số chị em tham gia đăng ký thực hiện cuộc vận động ngày càng đông. Đến nay, toàn huyện có 8.587 gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí gia đình “5 không 3 sạch”.

Với những nội dung cụ thể, toàn diện, cuộc vận động đã giúp hội viên, phụ nữ hiểu biết, có kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình tốt hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” ở M’Đrắk vẫn còn một số tồn tại như năng lực, trình độ của một số cán bộ hội cơ sở còn hạn chế; nhiều chị em chưa chủ động cập nhật thông tin, kiến thức, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt nên ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền. Chị Phạm Thị Thu Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, trong thời gian tới, để phát huy vai trò của Hội Phụ nữ trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động chị em tham gia cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, Hội sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các chương trình dự án để mang lại lợi ích thiết thực, giúp chị em nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình, xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.