Chênh vênh cầu treo Xuân Phú
Hàng chục năm nay, người dân 2 xã Xuân Phú, Ea Đar và thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) vẫn liều mình “đánh cược” với tử thần khi đi lại qua cầu treo thôn Trung Hòa, xã Xuân Phú.
Cầu treo thôn Trung Hòa cách trung tâm huyện Ea Kar chừng 15 cây số, bắc qua sông Krông Năng. Đây là cầu treo dân sinh do người dân tự đóng góp tiền và ngày công làm cách đây gần 30 năm để phục vụ việc đi lại sản xuất chủ yếu của bà con xã Ea Đar, thị trấn Ea Kar và đi học của học sinh xã Xuân Phú. Cầu có chiều dài khoảng 35 mét, rộng chừng 1,2 mét, dây cáp được làm bằng sắt đã hoen gỉ, mặt cầu được lát bằng bìa ván tận dụng, tre nứa, hai bên mố cầu được néo bằng các cây nguyên sinh. Phần vì không có kinh phí, phần vì bà con tự làm nên cầu chỉ được dựng lên một cách tạm bợ, không theo một quy chuẩn nào; do số lượng người và phương tiện qua lại khá nhiều nên cầu bị tác động mạnh, các thanh tre, nứa theo thời gian cứ rơi rớt dần, chỗ có, chỗ không, có đoạn trống khoảng 20 cm. Mùa nắng gió, toàn thân cầu đu đưa, chỉ cần nhìn đã có cảm giác rùng mình, còn mùa mưa cầu vắt vẻo qua dòng chảy sông Krông Năng càng trở nên chênh vênh, nguy hiểm. Việc đi lại qua cầu, phải là đàn ông vững tay lái mới dám điều khiển xe máy, chứ phụ nữ và các cháu học sinh thì phải rón rén đi bộ mất chừng 5 phút mới tới bên kia bờ. Có hơn 2 ha cà phê, tiêu ở phía bên kia sông Krông Năng, hằng ngày gia đình ông Y Chác Mlô, thị trấn Ea Kar phải qua lại cầu treo tạm bợ này không biết bao nhiêu lần. Biết là nguy hiểm, nhưng đây là lựa chọn duy nhất của gia đình ông cũng như hàng chục hộ dân khác. Nhiều khi qua cầu, nếu có gió mạnh, ông lo sợ bị hất tung xuống dòng nước dữ. Nguy hiểm là thế, nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục lượt người qua lại cầu cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, học hành. Chị Nguyễn Thị Hường (thị trấn Ea Kar) kể, có lần có việc phải sang xã Ea Đar, chị được người dân mách nước đi theo đường cầu treo cho gần, thế nhưng gần đâu không biết, qua được cầu người chị vã hết cả mồ hôi vì sợ, tay chân run lẩy bẩy, còn xe máy phải nhờ người dắt qua. Với chị, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng qua cầu treo này. Bà Thái Thị Danh, Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Đar cho biết, hàng chục năm nay, cây cầu này là lối đi duy nhất của 30 hộ dân buôn Sức và Tơng Sing. Cầu cách trung tâm xã chừng 3 cây số, bên kia cầu có khoảng 40 ha đất canh tác của bà con Ea Đar. Mặc dù chưa có thiệt hại về người khi qua lại cầu, nhưng hiện tại, cầu như là chiếc bẫy rình rập đến sự an toàn của người qua cầu. Vì thế, chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo bà con khi có gió lớn, hoặc khi mưa kéo dài nhiều ngày, nước sông dâng cao thì nên hạn chế qua lại cầu.
Mặt cầu được làm tạm bợ bằng các thanh tre nứa. |
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ea Kar, toàn huyện có 44 cầu dân sinh trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn cho người dân đi lại, tập trung ở các xã: Cư Ea Lang 10 chiếc, Ea Sar 7, Ea Pal 4, Cư Bông 4, Xuân Phú 3… Trong đó, có 10 cầu cần thiết phải xây dựng ngay gồm các cầu: thôn Hữu Nghị, xã Ea Đar; thôn 6B, xã Ea Pal; thôn 4, xã Ea Kmút; thôn Quyết Tâm, xã Ea Tyh; thôn Trung Hòa, xã Xuân Phú; buôn Ea Rớt, xã Cư Elang… Riêng cầu treo thôn Trung Hòa huyện Ea Kar đã đăng ký danh mục xây dựng trong Đề án xây dựng cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh, thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên từ năm 2014 của Bộ GTVT, dự kiến kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong khi chờ kinh phí, biện pháp trước mắt để tránh tai nạn có thể xảy ra cho người dân khi lưu thông qua cầu, UBND huyện chỉ đạo Ban ATGT huyện đặt biển báo cấm các loại phương tiện qua cầu thôn Trung Hòa; yêu cầu UBND các xã, thị trấn khu vực lân cận thông báo rộng rãi đến các cá nhân, hộ gia đình có kế hoạch lưu thông phù hợp. Tuy nhiên, do không có sự lựa chọn nào khác, người dân và phương tiện vẫn phải đi lại, lưu thông qua cây cầu này, mặc dù biết rất rõ nguy hiểm luôn rình rập!
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc