Multimedia Đọc Báo in

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"

Tạo sự gắn kết cộng đồng

10:13, 25/04/2016

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân, tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Đến buôn Tring 2 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), cảm nhận chung của nhiều người là một sức sống mới với nhiều đổi thay từ đời sống kinh tế, xã hội đến tinh thần của người dân nơi đây. Bên cạnh những nếp nhà dài truyền thống, đã xuất hiện không ít những ngôi nhà xây kiên cố vững chãi, những ngôi trường khang trang, những con đường đã được nhựa hóa thông thoáng, sạch sẽ… khiến người dân vui mừng. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn có một phần không nhỏ từ sự thay đổi ý thức, hành động của người dân trong việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong đó, phải kể đến việc buôn Tring 2 là buôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” (năm 2008). Nếu như trước đây, người dân trong buôn thường có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông hay nuôi dưới gầm sàn nhà, xả rác bừa bãi ra môi trường, làm nhà tiêu không hợp vệ sinh… thì nay nhận thức của họ đã thay đổi rõ rệt, các hộ chăn nuôi đều xây chuồng trại phù hợp, gia đình nào cũng có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, người dân biết trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; rác thải được tập kết, thu gom rồi đưa đi xử lý… Mô hình này đã được nhiều thôn, buôn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ học tập và nhân rộng, tạo chuyển biến tích cực trong việc huy động sức mạnh cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tự quản về môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, sạch đẹp. 

Người dân  xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn  tham gia  dọn vệ sinh  môi trường
Người dân xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Tại huyện Buôn Đôn, từ khi triển khai Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức thành viên lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân cùng nhau phát dọn vệ sinh quanh nhà, ngõ xóm; đồng thời lấy tiêu chí về môi trường để đánh giá, bình xét gia đình, khu dân cư văn hóa. Tiêu biểu như khu dân cư thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl), buôn Ea Pri (xã Ea Wer)… Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có 11.359/14.777 hộ gia đình văn hóa, 66/99 khu dân cư văn hóa, 24/26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam huyện thường xuyên phát động các phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; đền ơn đáp nghĩa; toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm, mua bán người, bảo đảm trật tự an toàn giao thông… nhằm tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.

Có thể nói, qua 20 năm (1995-2015) thực hiện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc của tỉnh, thể hiện trên mọi lĩnh vực. Cuộc vận động đã lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động khác như: phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phong trào khuyến học, khuyến tài; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Kết quả cho thấy số gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng tăng, tính từ năm 2005 đến cuối năm 2015,  tỷ lệ hộ gia đình văn hóa tăng từ 61% lên 80% khu dân cư có nhà văn hóa chiếm 70%m, 1.689 khu dân cư có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng (trong đó có 570 nhà văn hóa cộng đồng); 2.238 khu dân cư đảm bảo thực hiện tốt môi trường cảnh quan sạch, đẹp...

Có thể nói, Cuộc vận động đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng và sức mạnh nội lực của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Qua đó, đã xuất hiện không ít những mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình làm ăn giỏi, làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; các mô hình bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được nhân rộng và thực hiện có hiệu quả; mỗi năm có hàng nghìn lượt đối tượng chính sách, người có công được vay vốn, khám chữa bệnh miễn phí, được hỗ trợ học tập, học nghề, giới thiệu việc làm; nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phục dựng…

Đến nay, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã được đổi thành Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy kết quả đã đạt được tin chắc rằng, Cuộc vận động này sẽ thu được những kết quả tốt đẹp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.