Multimedia Đọc Báo in

"Đỏ mắt" tìm nước sinh hoạt

09:49, 10/05/2016

Tình hình thời tiết khô hạn, các mạch nước ngầm suy giảm mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều tháng nay, nước bị cúp luân phiên, người dân phải loay hoay tìm đủ mọi cách để có nước.

Chị Lâm Thị Hồng Thắm ở tổ dân phố 6, phường Tân Lợi cho hay: Những tháng đầu năm 2016, lịch trình cúp nước là 1 ngày có, 1 ngày cúp, nhưng đến nay, việc cúp nước càng thêm căng thẳng khi 3 ngày cúp và chỉ có nước lúc nửa đêm, khoảng từ 3 - 5 giờ. Mỗi khi cấp nước trở lại, chỉ những hộ ở dưới thấp mới có nhưng dòng chảy cũng khá yếu, vì thế, nhiều hộ đã sử dụng thêm bơm cộng lực hút nước lên các bể chứa lớn, tích trữ nước nhiều hơn để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Còn những hộ ở phía trên cao như gia đình chị thì gần như vòi nước lúc nào cũng khô rang. Vừa qua gia đình chị đã thuê người khoan giếng sâu tới 90 m mới có nước sử dụng. Dù lượng nước khoan không nhiều nhưng chị cũng chia sẻ cho một số hộ dân trong xóm dùng chung.

Công nhân trạm quản lý nước Ea M’sen kiểm tra vận hành máy bơm.
Công nhân trạm quản lý nước Ea M’sen kiểm tra vận hành máy bơm.

Với gia đình anh Nguyễn Văn Khánh ở buôn M’Duk (phường Ea Tam), mặc dù ở khu vực thấp nhưng lại nằm sâu trong hẻm nhỏ, thường ngày, gia đình anh cũng phải thay phiên nhau đi xin từng xô nước của các hộ dân có giếng để đưa về đổ vào thùng 50 lít dùng dần. Việc giặt giũ, tắm rửa và nấu ăn hằng ngày cũng phải hạn chế và sử dụng nước hết sức tiết kiệm thì mới đủ. Vừa qua anh đã phải khoan tới giếng thứ 2 trong vườn mới có nước, giếng thứ 2 cách đó chừng 200 m, khoan đến 100 m mới gặp mạch, nhưng anh cũng chỉ dám sử dụng để sinh hoạt không dám tưới cây vì sợ hết nước.

Không chỉ người dân loay hoay tìm nguồn nước sinh hoạt, ngay cả đối với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cũng nỗ lực tìm mọi biện pháp để có nguồn nước cung ứng cho khách hàng. Hệ thống các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thuộc Công ty quản lý được đầu tư xây dựng từ năm 2001 với 3 trạm bơm và 25 giếng khoan, công suất khai thác 49.000 m3 nước/ngày đêm. Theo thiết kế thì Công ty chủ yếu khai thác các mạch ngầm từ giếng khoan, trong khi lượng nước này hằng năm đều không ổn định, nhất là vào mùa khô thường sụt giảm nghiêm trọng; chưa hết, dân số của thành phố ngày một đông, nhu cầu sử dụng nước tăng cao trong đó có cả nước sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh, vì vậy, với thực tế đó sẽ không cung cấp đủ nước sạch cho khách hàng. Ngoài việc tu sửa, nâng cấp hệ thống cấp nước, hằng năm Công ty đã khoan thêm 6 giếng, xây dựng thêm công trình khai thác nước lộ thiên tại hồ Ea Chua Cáp (xã Hòa Thắng) với công suất khoảng 8.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, những tháng gần đây, hầu hết các giếng khoan đã cạn nước, nhiều trạm bơm ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi ngày đêm đơn vị chỉ khai thác được khoảng 29.000 m3. So với nhu cầu hiện tại của 61.000 hộ dân, chưa kể các hộ sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thì lượng nước máy thiếu hụt khoảng 20.000 m3/ngày đêm. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, để phần nào cứu khát cho người dân, hằng ngày (từ 7- 22 giờ) Công ty đã phải sử dụng 2 xe bồn chở bình quân từ 60- 100 m3 nước cấp miễn phí cho các hộ ở khu vực thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Công ty hiện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác nước bề mặt của sông Sêrêpôk tại địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017 với công suất thiết kế 35.000 m3/ngày đêm. Hy vọng rằng với sự nỗ lực không ngừng đó, thời gian tới TP. Buôn Ma Thuột sẽ không còn tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt.    

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl nhận định: Một trong những nguyên nhân khiến mực nước ngầm trên địa bàn bị sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay là do hoạt động khoan giếng tràn lan của người dân. Người hành nghề khoan nước ngầm đa phần là hoạt động chui, không có giấy phép, thiếu các biện pháp kỹ thuật, gia cố, trám lấp giếng bỏ hoang... đã làm hình thành các lỗ hổng ở tầng đất, nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ có chủ chương giao cho các ngành chức năng soát xét lại hoạt động này, đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc