Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở Cư San

09:07, 06/05/2016

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, công tác xóa đói, giảm nghèo tại xã Cư San (huyện M'Đrắk) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, Cư San vẫn là một trong những xã khó khăn của huyện, cần nhiều hơn những giải pháp quyết liệt để thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Giàng Seo The (thôn 5) có 7 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê và lên rừng hái măng ra chợ bán. Ông The chia sẻ, gia đình ông vào xã Cư San lập nghiệp từ năm 2010 song vì không có đất sản xuất, sức khỏe yếu, đông con nên đến nay vẫn không thể mua được đất làm nhà, phải sống nhờ nhà người thân trong thôn, các con không có điều kiện đi học, phải ở nhà phụ giúp cha mẹ trông em và làm việc nhà. Mong ước của ông The là có được vài sào đất sản xuất để có thu nhập ổn định lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Gia đình ông Giàng Seo Sáng (thôn 4) cũng là một hộ nghèo có "thâm niên" của xã. Cả nhà có 5 nhân khẩu trông vào nguồn thu nhập từ 2 sào lúa nước và gần 1 ha đất trồng sắn song do diện tích đất sản xuất chủ yếu là đồi dốc, kém màu mỡ, tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất cây trồng rất thấp. Năm nào mưa thuận gió hòa, chi tiêu tiết kiệm thì gia đình mới đủ ăn còn gặp khi thời tiết bất lợi, mất mùa, vợ chồng ông phải đi làm thuê hoặc lên rừng lấy măng bán để trang trải cuộc sống.

Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho người dân nghèo xã Cư San (huyện M’Đrắk) dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016.
Đoàn từ thiện TP. Hồ Chí Minh tặng quà cho người dân nghèo xã Cư San (huyện M’Đrắk) dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016.

Còn rất nhiều hộ nghèo như gia đình ông Giàng Seo The và Giàng Seo Sáng ở xã  Cư San. Với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm từ 3-4% hộ nghèo, thời gian qua xã Cư San đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế gia đình đi đôi với hỗ trợ về kỹ thuật, đầu tư con giống, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện đời sống của người dân. Từ đầu năm 2015 đến nay, xã đã cấp 6.630 thẻ Bảo hiểm Y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; cấp phát 35.346 kg lúa, gạo và 2.900 kg ngô giống cho 296 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ, tết và cứu đói giáp hạt; cấp 6.396 kg muối Iốt, 2.094 kg ngô giống cho 412 hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo thuộc vùng khó khăn; phối hợp với các ngành chức năng tiếp nhận và cấp phát trên 593 suất quà, 20 chiếc ti vi của Trung ương, tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Triển khai thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, xã Cư San đã xây dựng được 19 nhóm cải thiện sinh kế với 285 hộ hưởng lợi, số tiền đầu tư 747 triệu đồng (trong đó có 13 nhóm cải tạo vườn hộ và 9 nhóm trồng lúa); xây dựng đường giao thông nội thôn 8 với chiều dài 201 m, dưới hình thức đấu thầu cộng đồng, tổng kinh phí 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã (theo tiêu chí mới) còn rất cao, hiện chiếm khoảng 87%; trong đó, hộ nghèo có 1.111 hộ với 5.805 khẩu (tỷ lệ trên 72%). Việc xóa đói, giảm nghèo ở xã miền núi này vẫn đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo ôngVũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của xã Cư San chiếm trên 91% (khoảng 19.000 ha) song phần lớn đều là đồi núi dốc, kém màu mỡ, hệ thống thủy lợi yếu kém, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Tại một số thôn không chủ động được nguồn nước chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, còn lại cây trồng chủ yếu vẫn là cây ngô. Ngoài nông nghiệp ra, người dân tại các thôn không có ngành nghề khác nên mức thu nhập bình quân còn thấp (chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/năm). Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông liên thôn, xã đi lại còn rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây cản trở rất nhiều đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Thêm nữa, với địa hình phức tạp, xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, người dân tại các thôn thường sống rải rác trên vùng núi cao cũng gây nhiều khó khăn đến công tác xóa đói, giảm nghèo...

Thiết nghĩ, để người dân Cư San thoát nghèo một cách bền vững, bên cạnh các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì việc đào tạo nghề cho người nghèo gắn với giải quyết việc làm cùng với công tác tuyên truyền vận động ý thức tự vươn lên của các hộ dân cũng cần được quan tâm hơn. Để làm được như vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc