Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ lụi tàn một làng nghề

10:53, 04/05/2016

Nghề làm gốm ở xã Yang Tao (huyện Lắk) đã có từ bao đời nay, nhưng do nhiều nguyên nhân nên nghề truyền thống nơi đây đang có nguy cơ lụi tàn…

Đến buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao hỏi thăm về nghề làm gốm, người dân địa phương xác nhận đây đúng là cái nôi của nghề gốm cổ, nhưng hiện nay những người còn “trụ” lại với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà H’Lưm Uông (SN 1961) là một trong số ít những người trong buôn còn biết làm gốm. Bà  H’Lưm cho biết, ngày trước, không riêng gì người M’nông ở xã Yang Tao sử dụng đồ gốm mà trong nhiều gia đình người Êđê ở nơi khác cũng sử dụng chén bát, chảo, ấm, nồi niêu và ché rượu… bằng gốm trong sinh hoạt thường ngày. Những sản phẩm gốm ở đây chỉ dựa vào đôi tay khéo léo nhào nặn (không sử dụng công cụ hỗ trợ như bàn xoay); sử dụng đất sét nguyên không pha trộn; chỉ dùng que tre để khắc họa hoa văn; nung lộ thiên bằng củi; và đặc biệt là cách tạo men nhờ vào độ cháy đen của vỏ trấu sau khi gốm chín. Vì nét độc đáo này mà sản phẩm gốm của buôn Dơng Bắk rất khác biệt, được nhiều người ưa chuộng. “Vậy mà giờ đây, nghề này chẳng còn mấy người làm nữa. Năm thì mười họa có đoàn khách du lịch ghé thăm buôn, thấy gốm lạ mắt thì mua làm quà lưu niệm. Thỉnh thoảng có khách đặt thì tôi mới làm hoặc làm cho để đỡ nhớ nghề”- bà H’Lưm thở dài buồn bã. Theo bà H’Lưm, thời nay, hầu hết các gia đình đều sử dụng sản phẩm gia dụng được làm từ nhôm, nhựa, sứ… với độ bền cao, giá thành thấp, mẫu mã đẹp nên chẳng còn mấy ai quan tâm đến sản phẩm gốm làm bằng tay nữa. Thêm vào đó, nguồn nguyên vật liệu để làm gốm giờ cũng không còn nhiều. Muốn làm gốm, nghệ nhân phải đi sang các buôn khác cả chục cây số mới có loại đất phù hợp. Thế hệ trẻ thì không say mê nghề bởi để làm ra một sản phẩm ưng ý thì cần nhiều thời gian nhưng thu nhập mang lại không tương xứng, nên chuyện bỏ nghề đi làm việc khác cũng là điều dễ hiểu…   

Bà H’Lưm Uông bên các sản phẩm gốm độc đáo do chính tay mình làm ra.
Bà H’Lưm Uông bên các sản phẩm gốm độc đáo do chính tay mình làm ra.

 Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân H’Phiết Uông (SN 1951) hay còn gọi là Yo Khoanh nhưng không gặp vì bà mới đi vào rẫy. Cẩn thận lấy những đồ dùng bằng gốm được cất cẩn thận trong tủ ra cho chúng tôi xem, chị H’Yun Uông (con gái Yo Khoanh) cho biết: Do ít người đặt hàng nên hằng ngày gia đình chị phải làm rẫy để kiếm sống. Mấy năm trước, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên trong buôn, rồi giới thiệu sản phẩm gốm Dơng Bắk với các đơn vị du lịch. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong buôn rất hào hứng học nghề. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn rồi ai cũng bỏ nghề vì sản phẩm làm ra không bán được.

Ông Y Khương H’Long, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao trăn trở: Để khôi phục lại làng gốm là việc hết sức khó khăn. Nguyên liệu không còn dồi dào như trước, lớp trẻ ngày nay cũng không có mấy ai mặn mà theo nghề nữa. Chính quyền xã cũng muốn khôi phục nghề làm gốm nhưng quan trọng là “đầu ra” cho sản phẩm thì vượt quá khả năng của địa phương. Xã rất mong được các đơn vị, ngành du lịch ở Đắk Lắk kết nối, đặt hàng sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cần đưa nghề gốm ở Yang Tao vào chương trình phát triển làng nghề để hỗ trợ bà con tiếp tục duy trì nghề truyền thống. Có như vậy mới mong nghề gốm ở Dơng Băk sẽ được hồi sinh để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

 Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc