Multimedia Đọc Báo in

Người tổ trưởng nhiệt tình, năng động

07:10, 22/05/2016

Năm 2006, khi được bầu làm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn 1, xã Ea Pil (huyện M'Đrắk), chị Lê Thị Ngoan cùng với các ban ngành, đoàn thể và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến từng hộ vận động bà con gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.

Chị Ngoan chia sẻ: “Người nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay đã khó, sử dụng nó hiệu quả thì càng khó hơn. Vì vậy, để giúp đỡ bà con, bản thân người tổ trưởng phải là bạn đồng hành với bà con từ lúc tìm nguồn vốn, sử dụng vốn đến khi nguồn vốn mang lại hiệu quả, bà con trả được lãi, nợ…”. Với tâm niệm ấy, chị luôn chủ động gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi các đối tượng nhận được nguồn vốn vay, chị lại bàn bạc, góp ý với từng tổ viên làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn vốn để vừa sinh lãi, vừa hoàn trả được gốc và lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, chị Ngoan luôn thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ cũng như họp giao ban đều đặn với Ngân hàng Chính sách xã hội. Các tổ viên trong tổ của chị thường xuyên tham gia sinh hoạt định kỳ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, tích cực gửi tiền tiết kiệm hằng tháng; tổ thu nợ, thu lãi đều có sổ sách rõ ràng nên được bà con rất tin tưởng, nhiều người đã tự nguyện xin tham gia sinh hoạt, hội viên trong tổ ngày càng đông. Đến nay, tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn 1 có 41 hội viên, chiếm gần 80% hộ dân, với tổng dư nợ khoảng 1 tỷ đồng; trong đó, cho vay theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 240 triệu đồng với 12 hộ vay, cho vay hộ nghèo và cận nghèo trên 400 triệu đồng với 20 hộ vay. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình chị Đặng Thị Xuân trước đây là hộ cận nghèo, năm 2010 được vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ kinh doanh vùng khó khăn, chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng mía, đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định, có điều kiện nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn. Hay như hộ chị Bùi Thị Kỷ đã sử dụng 15 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo để mua 1 con bò cái sinh sản, đến nay đàn bò đã lên đến 5 con, trị giá mỗi con hàng chục triệu đồng, giúp gia đình chị thoát nghèo. Còn nhiều hộ khác như chị Lương Thị Nhận, chị Trịnh Thị Thương, chị Vi Thị Chai… cũng vươn lên nhờ nguồn vốn ưu đãi. Hầu hết các hộ vay đều có ý thức tiết kiệm, xây dựng nguồn vốn gia đình và có tiền trả nợ vay đến kỳ hạn.

Những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực của chị Ngoan đã góp phần cùng với Chi bộ, Ban tự quản thôn 1 (xã Ea Pil) giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đến cuối năm 2015 xuống còn 10%.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.