Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Năng: Các xã điểm với nỗi lo để "cán đích"

09:37, 10/05/2016

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, trên địa bàn huyện Krông Năng vẫn chưa có xã điểm nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để cán đích, các xã điểm đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo và rất cần sự trợ lực từ nhiều phía.

Chung một mối lo

Cùng chúng tôi đi một vòng quanh thôn, trên những con đường đã được giải phóng mặt bằng khá rộng rãi, ông Văn Khả Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân cho biết: “Những tiêu chí xã khó hoàn thành nhất đều là những tiêu chí đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn như giao thông, trường học, môi trường. Để cán đích, ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, rất cần nguồn vốn đầu tư của Nhà nước”. Sở dĩ như vậy vì toàn xã có trên 200 km đường giao thông nông thôn, phần lớn đã được giải tỏa, mở rộng mặt đường nhưng số km đường đã được bê tông hóa, cấp phối, rải đá dăm mới chỉ khoảng 30%, còn lại chủ yếu vẫn là đường đất. Nhiều tuyến đường tuy người dân đã tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào, đóng góp ngày công mở rộng lòng đường nhưng do không có vốn xây dựng nên cỏ đã mọc kín hai bên. Theo ông Hồ Hữu Mạnh, cán bộ giao thông, thủy lợi xã thì để có thể hoàn thành tiêu chí giao thông, xã cần nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng, con số này vượt quá nội lực của địa phương. Bên cạnh tiêu chí giao thông, xã Phú Xuân cũng đang loay hoay trong thực hiện tiêu chí trường học và môi trường. Theo quy định, mỗi xã phải có 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện nay, xã Phú Xuân mới chỉ có 2/9 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hơn nữa, xã cũng chưa có trường mẫu giáo. Nguyên nhân là do diện tích các trường hẹp không đáp ứng tiêu chuẩn Bộ tiêu chí nông thôn mới, nhiều trường chưa có nhà hiệu bộ, nhà đa chức năng và vẫn còn phòng học tạm. Vì vậy, đến đầu năm 2016, xã Phú Xuân mới chỉ đạt 16/19 tiêu chí và để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn là một lộ trình dài.

Nông dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu bền vững.
Nông dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu bền vững.

Tương tự, tại xã điểm Ea Toh, tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa đang là bài toán khó đối với chính quyền và người dân địa phương. Toàn xã có 22/23 thôn, buôn có hội trường nhưng đều chưa có trang thiết bị và khu văn hóa – thể thao đáp ứng yêu cầu theo tiêu chí nông thôn mới. Ông Trần Văn Châu, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lộc cho biết, hội trường thôn được xây dựng từ năm 2007 với tổng kinh phí mua đất và đầu tư xây dựng hơn 140 triệu đồng nhưng đến nay chưa có các trang thiết bị cần thiết. 145 hộ của thôn đã đóng góp hơn 30 triệu đồng mua đất, giờ mà tiếp tục vận động sẽ rất khó khăn. Đối với tiêu chí giao thông, toàn xã có 168,6 km đường, trong đó, đường liên xã 17 km, đường trục xã 61,7 km, đường trục thôn, ngõ, xóm 89,9 km. Đến nay, mới chỉ khoảng 60 km đã được sửa chữa, nâng cấp, cứng hóa còn lại vẫn là đường đất. Ông Nguyễn Quang Lân, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, nếu không có sự đầu tư của Nhà nước thì xã rất khó hoàn thành 2 tiêu chí trên để có thể cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2016 như mục tiêu đề ra.

Nỗ lực về đích

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí trong xây dựng nông thôn mới, nhưng các xã điểm của huyện Krông Năng đều đang rất nỗ lực để về đích. Trong giai đoạn 2011-2015, xã Phú Xuân và Ea Toh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn của trung ương, tỉnh, huyện, xã, vốn tín dụng và sự đóng góp của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Để có thể hoàn thành tiêu chí giao thông, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, di dời hàng rào, đóng góp ngày công giải tỏa, san ủi mặt đường, xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời, trích ngân sách xã hỗ trợ xi măng cho các thôn bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, ngoài việc nâng cấp, sửa chữa những thiết chế văn hóa đã có, địa phương cũng chủ động lập đề án quy hoạch công trình nhà văn hóa và khu thể thao theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Chẳng hạn như ở xã Ea Toh, đến đầu năm 2015, xã đã lập xong đề án quy hoạch công trình nhà văn hóa và khu thể thao cấp xã với diện tích 8.000 m2, tổng kinh phí dự kiến khoảng 6 tỷ đồng. Hiện nay, địa phương đã chuẩn bị đủ nguồn vốn đối ứng 1,4 tỷ đồng từ ngân sách xã và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để khi có vốn đầu tư sẽ tiến hành thi công công trình. Hay như ở xã Phú Xuân, để có thể hoàn thành tiêu chí trường học, xã đã xây dựng đề án quy hoạch và chuẩn bị sẵn nguồn vốn đối ứng để xây dựng trường mẫu giáo; đồng thời, kiến nghị, đề xuất các ngành hữu quan quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn.

Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I từ năm 2011.
Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I từ năm 2011.

Ông Bùi Phước Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Krông Năng cho biết: theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, xã Ea Toh sẽ cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã vẫn chưa được bố trí vốn từ ngân sách tỉnh và vốn trái phiếu Chính phủ như đề xuất là 124,6 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn và khu văn hóa – thể thao cấp xã. Do vậy, địa phương rất khó hoàn thành 2 tiêu chí trên trong năm nay. Còn đối với xã Phú Xuân, để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, các ngành chức năng của huyện đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành thủ tục bàn giao đất từ Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 49 cho địa phương xây dựng trường mẫu giáo và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí còn lại. Do vậy, để các xã điểm của huyện Krông Năng có thể cán đích nông thôn mới, bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền địa phương và nội lực của người dân rất cần sự quan tâm, bố trí vốn kịp thời.       

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc