Cẩn trọng với mối nguy "giặc lửa"
Mặc dù số vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các vụ cháy nhưng khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra thường gây thiệt hại lớn. Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để đề phòng mối nguy “giặc lửa”.
Câu chuyện ý thức
Nhận thức được công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất, kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững. Tại Công ty Truyền tải điện 3 (Truyền tải Điện Đắk Lắk), bên cạnh việc thiết lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, xây dựng lực lượng, nội quy, biện pháp PCCC, công ty còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trang bị phương tiện, dụng cụ, tổ chức thực tập phương án chữa cháy… Đồng thời, xây dựng hệ thống chống sét, báo cháy, cấp nước, phương tiện cứu người phù hợp khi có sự cố xảy ra. Anh Đoàn Thế Thuận, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty cho biết: “Bảo đảm an toàn về PCCC là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, do vậy, Công ty đã quan tâm đầu tư, trang bị đầy đủ các phương tiện, xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án PCCC, thoát nạn phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, đến thời điểm này đơn vị chưa xảy ra vụ cháy nào”.
Thực tập phương án chữa cháy tại Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên |
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc công tác PCCC. Tại nhà máy, hệ thống điện được kiểm tra định kỳ, hàng hóa ở khu nhà kho được sắp xếp ngăn nắp, cách xa nguồn điện, nguồn nhiệt. Các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, vòi phun nước được bố trí khắp các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Để kịp thời xử lý tình huống cháy xảy ra, nhà máy đã lắp đặt 2 máy bơm nước chữa cháy, bảo đảm hoạt động tốt kể cả khi bị cắt điện.
Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho nhân viên Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên |
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở sản xuất xem nhẹ công tác phòng, chống “giặc lửa”. Tại một số xí nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, mặc dù nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại gỗ, mùn cưa rất dễ bắt lửa nhưng chủ doanh nghiệp vẫn lơ là đề phòng hỏa hoạn. Khu sản xuất của một vài xí nghiệp không có biển cấm lửa, cấm hút thuốc; hệ thống điện trong khu sản xuất đã quá cũ, lại được câu mắc tùy tiện, tủ điện đặt gần nguyên liệu sản xuất; các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác PCCC chưa được trang bị đầy đủ, hoặc có nhưng đã hư hỏng; vệ sinh công nghiệp rất kém, hàng hóa sắp xếp che chắn cả lối đi. Chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chính doanh nghiệp.
“Phòng bệnh” vẫn hơn
Theo phân tích, đánh giá của Cảnh sát PCCC tỉnh, ngoài những sự cố mang tính khách quan, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cháy, nổ là do một số đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC; việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra PCCC chưa thường xuyên. Việc sử dụng lửa, điện của người dân còn bất cẩn, dễ xảy ra cháy nổ.
Cảnh sát PCCC tỉnh kiểm tra công tác PCCC tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – miền Trung |
Thượng tá Trần Trọng Văn, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC tỉnh) cho biết: “Qua kiểm tra công tác PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cho thấy, tâm lý xem thường “giặc lửa” còn khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà chưa coi trọng công tác PCCC. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ đã gây hậu quả nghiêm trọng”. Chẳng hạn như vụ cháy xảy ra vào sáng 13-3-2014 tại xưởng ép giấy phế liệu của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Trường Hoàng Vũ (lô CN6, Cụm Công nghiệp Tân An, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), gây thiệt hại 12 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Hay vào ngày 20-3-2015, tại khu vực Nông trường Hồ Lâm (Tiểu khu 106, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) đã xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại 202,7 ha rừng trồng của Công ty TNHH Lộc Phát. Mới đây nhất, vào ngày 7-3-2016, một vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty Cổ phần Lâm sản Đắk Lắk (Lô C1, Cụm Công nghiệp Tân An) đã thiêu rụi nhiều máy móc và lâm sản trong xưởng sản xuất, thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc PCCC tỉnh khẳng định: “Để hạn chế tối đa thiệt hại do “giặc lửa” gây ra, phòng cháy phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về công tác PCCC. Trong đó chú trọng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, phương án tại chỗ và chữa cháy tại chỗ); tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về công tác PCCC”. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi người dân, công nhân lao động cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật về PCCC, tránh xảy ra tai nạn, rủi ro cho bản thân và xã hội.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc