Cấp bách xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em
Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhưng trên thực tế, số trẻ bị tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bị dụ dỗ đi lao động sớm ngày càng tăng và phức tạp…
Những con số “biết nói”
Năm 2015, sau một tai nạn giao thông kinh hoàng khiến bố, mẹ, chị gái tử vong tại chỗ, cháu Trần Hoàng Kim Ly (5 tuổi, ở tổ dân phố 7, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) bị thương nặng và trở thành trẻ mồ côi. Trường hợp của cháu Ly chỉ là 1 trong số 2.320 trẻ em bị tai nạn thương tích (197 trẻ em tử vong) trong 3 năm (2013-2015). Số trẻ bị tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông chiếm trên 80% so với những nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng. Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã phát hiện 333 trường hợp trẻ em bị xâm hại; số người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng ngày càng nhiều với 1.354 trường hợp; đặc biệt tại nhiều trường học đã có tình trạng trẻ em lập băng nhóm gây bạo lực học đường…
Nhóm trẻ nòng cốt tham gia tập huấn và thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích. |
Ngoài những con số “biết nói” trên thì công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đang ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp khi tình trạng trẻ em, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số bị dụ dỗ đi lao động sớm đang trở thành nỗi lo của các ngành, địa phương và nhiều gia đình. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đã có 189 trẻ em từ 9 đến 16 tuổi bị dụ dỗ đi lao động sớm tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Hầu hết các em đều được ký hợp đồng lao động rất sơ sài, không có tính pháp lý; bị bóc lột sức lao động, không bảo đảm các điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi. Chẳng hạn như trường hợp của các em: Y Thoáng Niê (12 tuổi), H’Glen Niê (15 tuổi) cùng ở buôn Trưng (xã Cư Bông, huyện Ea Kar), A Yua Ngên (12 tuổi) ở buôn Kon Wang (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc)…
Ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, liên tục và sâu rộng. Một số cấp ủy, chính quyền và người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Cán bộ LĐTBXH, cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở còn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp cũng như hoạt động kiểm tra, giám sát thiếu đồng bộ, hiệu quả. Thêm vào đó, việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh khiến trẻ em dễ sa đà vào những trò chơi vô bổ hoặc rủ nhau đi tắm ở ao, hồ, sông, suối gây hậu quả khó lường”.
Quan tâm bằng tình yêu và trách nhiệm
Để triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong 5 năm (2011-2015), tỉnh đã phân bổ trên 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác này, cộng thêm nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vận động gần 18 tỷ đồng tập trung chăm lo, trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh giải quyết tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm; can thiệp, tư vấn, trợ giúp cho 1.953 trẻ em gặp vấn đề về tâm lý, bị bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích, vi phạm pháp luật.
Đại diện Sở LĐTBXH và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thăm hỏi, tặng quà trẻ em bị tai nạn thương tích điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn tạo “sân chơi” lành mạnh, bổ ích cho trẻ em; phối hợp tổ chức dạy bơi cho trẻ; xây dựng 273 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 35 mô hình “Phòng tư vấn Mặt trời bé thơ”…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim K’đoh cho rằng, trước thực trạng trên, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em đã và đang trở nên bức thiết hơn lúc nào hết. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm toàn diện, thường xuyên hơn của các cấp, ngành, địa phương, gia đình và cả xã hội. Trước mắt, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tặng quà, học bổng, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật, bị tai nạn thương tích, hoàn cảnh khó khăn, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, quan tâm, bố trí kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Dẫu rằng các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai khá đồng bộ, nhưng để có thể xây dựng được môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em còn phải có sự quan tâm và tình yêu thương của mỗi gia đình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc