Phát huy hiệu quả của hương ước, quy ước ở Cư M'gar
Trong những năm qua, việc xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Cư M’gar được đẩy mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả.
Thôn An Phú (xã Ea Đrơng) được thành lập năm 2000. Ngay từ khi thành lập, người dân nơi đây đã họp bàn và đi đến thống nhất xây dựng riêng cho thôn một bản quy ước. Quá trình soạn thảo quy ước được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ; các quy định liên quan đến mọi mặt của đời sống như: Vệ sinh môi trường, khuyến học, hoạt động văn nghệ thể thao; hiếu hỉ; các khoản đóng góp; bảo vệ an ninh trật tự… đều được quy định chi tiết, cụ thể. Đến nay, quy ước đã ăn sâu vào nếp sống của nhân dân nơi đây. Trước khi làm việc gì, người dân đều cân nhắc xem có phù hợp với nội dung của quy ước hay không. Ông Nguyễn Trần Toàn, Bí thư Chi bộ thôn An Phú cho biết: “Quy ước của thôn An Phú gồm 5 chương, 23 điều liên quan đến mọi mặt của đời sống trong khu dân cư. Để người dân thực hiện theo đúng quy ước, mỗi tháng chúng tôi đọc trên loa một lần. Nhìn chung các hộ gia đình trong thôn đều thực hiện tốt quy ước đã đề ra. Trước đây, tình trạng vứt rác thải bừa bãi diễn ra khá phổ biến, rác hầu như có ở khắp nơi, căn cứ vào bản quy ước đã quy định, thôn đã phạt mấy hộ và tình trạng hiện đã chấm dứt; hay việc xay xát nông sản ngày trước các hộ cứ để vỏ bay ra đường gây ô nhiễm môi trường thì nay đã không còn...”.
Các nghệ nhân đội chiêng xã Ea Tar (huyện Cư M'gar) tại một lớp truyền dạy cồng chiêng. |
Tương tự, buôn B’Ling (xã Ea Kpam) cũng xây dựng một bản quy ước riêng, trong đó quy định những điều nên làm và những điều không được làm. Trên cơ sở đó, người dân đồng lòng hưởng ứng và thực hiện, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương. Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được bà con trong buôn thực hiện tốt, nhiều phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan được loại bỏ, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát huy. Buôn hiện có 1 đội chiêng, nhiều nghệ nhân biết đánh và chỉnh chiêng, đặc biệt có nhiều hộ vẫn còn lưu giữ nhà sàn truyền thống... Ông Trần Phước Dỏ, Phó Trưởng buôn B’Ling cho hay: “Bản hương ước, quy ước được xây dựng khi buôn thành lập, đến năm 2011 thì sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Toàn buôn có 182 hộ, với 862 nhân khẩu, trong đó có gần 95% là người dân tộc thiếu số tại chỗ. Nhờ có quy ước mà ý thức của người dân trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nghiêm túc hơn. Việc đám cưới, đám hỏi được thực hiện theo nếp sống mới, mỗi đám hiện nay trong buôn chỉ từ 30 – 40 mâm. Việc chăn nuôi gia súc cũng không còn thả rông hoặc nuôi dưới gầm nhà gây ô nhiễm môi trường như trước đây...”.
Được biết, 189/189 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện đã xây dựng được bản hương ước, quy ước và được UBND huyện phê duyệt đưa vào thực hiện. Nội dung của các hương ước, quy ước được các thôn, buôn, tổ dân phố xây dựng đều phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tiễn của địa phương, có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong việc đề ra các nội dung, biện pháp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần tác động tích cực đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Theo báo cáo của Phòng Văn hoá – Thông tin huyện, toàn huyện Cư M’gar hiện có 31.788/33.780 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm hơn 86,24%) và 131/178 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc