Multimedia Đọc Báo in

Tảo hôn - Câu chuyện dài chưa có hồi kết ở M'Đrắk

10:27, 17/06/2016

Trong nhiều năm qua, nạn tảo hôn vẫn diễn ra khá phức tạp ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện M’Đrắk...

Xã Cư San hiện có 1.520 hộ, với 7.640 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người phía Bắc di cư. Chỉ tính trong 2 năm (2014 và 2015) toàn xã đã có đến 24 trường hợp tảo hôn. Chị Triệu Thị Nái, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư San cho biết: “Nguyên nhân của tảo hôn là do trình độ dân trí còn thấp kém; không ít bố mẹ còn có suy nghĩ phải cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm để có lao động làm việc. Gần đây thì một số thanh thiếu niên tự tìm hiểu nhau, thấy hợp tính thì đòi cưới, cha mẹ không thể ngăn cấm nổi”. Lấy vợ lấy chồng sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ, chưa lo được kinh tế nên nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, những đứa trẻ được sinh ra có thể trạng yếu ớt, suy dinh dưỡng. Như trường hợp Giàng Thị Xanh (thôn 7, xã Cư San) năm nay mới 19 tuổi nhưng đã là mẹ của 2 đứa con. Do nhà nghèo và không được đi học, Xanh đi lấy chồng khi mới 15 tuổi. Hệ lụy của việc lấy chồng sớm và phải bươn chải lo toan cho cuộc sống gia đình đã làm cho Xanh già dặn hơn nhiều so với tuổi 19 của mình; các con của cô cũng gầy ốm do kinh tế gia đình thiếu thốn. Em Vàng Thị Thu (thôn 8, xã Cư San) vừa tròn 17 tuổi nhưng đã phải gánh trọng trách của người vợ, người mẹ với những lo toan cho cuộc sống gia đình. Chồng của Thu là Giàng Seo Quang cũng mới 18 tuổi. Quang là con đầu trong gia đình có 5 anh em nên bố mẹ Quang muốn con có vợ sớm để có người lao động. Chung sống với bố mẹ nhà lại chỉ có 2 sào đất để trồng sắn hoặc trồng bắp, thu nhập không đủ ăn, vợ chồng Quang phải đi làm thuê, làm mướn hoặc lên rừng kiếm mật ong, xuống suối bắt con cá về bán để cải thiện bữa ăn. Từ nhiều năm nay, gia đình Quang vẫn luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo.

Vàng Thị Thu (thôn 8, xã Cư San) mới 17 tuổi nhưng đã có con.
Vàng Thị Thu (thôn 8, xã Cư San) mới 17 tuổi nhưng đã có con.

Không chỉ ở xã Cư San, tình trạng tảo hôn còn diễn ra khá phức tạp ở các xã vùng sâu, vùng xa khác của huyện M’Đrắk. Theo thống kê tại các xã Cư San, Ea M’đoal, Ea Trang và Cư Króa, từ năm 2011 đến năm 2014 đã có 74 trường hợp tảo hôn. Mặc dù chính quyền và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn thường xuyên đẩy mạnh truyền thông về dân số-KHHGĐ nhưng tình trạng tảo hôn vẫn không chấm dứt. Đáng buồn hơn, có những người dù biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn tảo hôn, như trường hợp của Giàng Thị Gánh (thôn 7, xã Cư San). Gánh về làm vợ của Sùng Seo Sấm khi mới 15 tuổi. Sấm cho biết: “Được cán bộ dân số tuyên truyền, mình đã biết độ tuổi cưới vợ, cưới chồng, nhưng nếu mình không cưới thì sợ người ta cưới mất”. Hiện tại, Giàng Thị Gánh đang mang bầu tháng thứ 7 nhưng nhiều hôm cũng phải lên nương trồng ngô, trồng sắn. 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái, nhưng giống như cái tên của mình, Gánh đã sớm phải gánh vác nhiều trọng trách trong gia đình...           

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.