Thoát nước đô thị - vẫn còn nhiều bất cập
Được đánh giá là một trong những đô thị có hệ thống thoát nước được đầu tư tương đối cơ bản với việc cải tạo, mở rộng và nâng cấp, tuy nhiên hạ tầng thoát nước ở Buôn Ma Thuột đến nay vẫn chưa đồng bộ, còn bộc lộ nhiều bất cập…
Từ năm 2007, hệ thống thoát nước thành phố có những cải thiện đáng kể cùng với việc hoàn thành dự án thoát nước (giai đoạn 1) do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida) tài trợ. Về hệ thống thoát nước mưa có tổng chiều dài trên 107,2 km, trong đó, rãnh cứng hở/ mương (có nắp đan và không có nắp đan) chiếm khoảng 30%; mật độ tuyến thoát nước mưa 3,6 km/km2 (không kể hệ thống suối tự nhiên trong khu vực đô thị là điểm tiếp nhận của thoát nước thành phố). Về hệ thống thoát nước thải, được vận hành từ năm 2009, có tổng chiều dài 53,86km (gồm tuyến cấp I; II; III) phạm vi vùng phục vụ khoảng 152,7ha thuộc khu vực trung tâm thành phố. Năng lực phục vụ giai đoạn I đáp ứng trên 5.500 hộ (tương đương trên 22.000 người) chiếm 6,43% dân số nội thị. Trạm xử lý nước thải có tổng diện tích 20 ha, công suất thiết kế 8.125 m3/ngày đêm; tỷ lệ đấu nối trong vùng dự án đạt xấp xỉ 100%. Công nghệ xử lý chuỗi hồ sinh học ổn định, chất lượng xử lý đạt cột B theo QCVN 14:2008/BTNMT, nơi tiếp nhận nước thải sau xử lý là suối Ea Nuôl, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Dự án thoát nước và VSMT thành phố đã phát huy hiệu quả trong việc cải thiện môi trường đô thị nói chung và công tác thoát nước thành phố nói riêng; cộng đồng dân cư vùng dự án tham gia đấu nối đạt tỷ lệ cao, tạo cho sự thành công trong phát huy hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải.
Một số tuyến phố của Buôn Ma Thuột bị ngập nước khi mưa lớn. |
Tuy nhiên, do được đầu tư qua nhiều thời kỳ, thiếu đồng bộ nên khả năng tiêu thoát kém. Theo Sở Xây dựng, thoát nước đô thị là ngành dịch vụ công ích, là công trình hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không mang lợi nhuận kinh tế cao nên rất khó thu hút đầu tư. Hơn nữa, dịch vụ thoát nước được thu qua phí BVMT đối với nước thải không lớn, không đủ bù đắp chi phí nên việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước dịch vụ vận hành chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Hệ thống thoát nước được đầu tư trong nhiều thời kỳ khác nhau cùng với sự phát triển mở rộng đô thị; các dự án thoát nước do nhiều chủ đầu tư thực hiện, chưa có quy hoạch chuyên ngành thoát nước cho toàn thành phố trong quá trình phát triển hạ tầng nên hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập như sai lệch cốt cao độ, độ dốc, hướng dốc nên một số vùng, khu vực khó đấu nối hệ thống, bố trí hệ thống cửa xả chưa hợp lý còn ngập cục bộ, bố trí mạng lưới chia lưu vực thoát nước chưa tốt nên cường độ dòng chảy xiết trên đường lớn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông (như đường Nguyễn Tất Thành...). Việc kiểm soát ô nhiễm tại các tuyến thoát nước mưa chưa tốt, nhất là đối với các khu vực chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, vẫn còn có tình trạng đấu nối, xả thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa, tình trạng vi phạm này phổ biến ở các cơ sở dịch vụ của hộ gia đình (dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, rửa xe...), gây ô nhiễm môi trường cho nguồn tiếp nhận (tuyến suối, kênh mương) và tuyến ống. Thêm vào đó, tình trạng xả chất thải rắn, đậu đỗ xe có trọng tải lớn trên vỉa hè làm nghẹt, vỡ, tắt nghẽn hệ thống thoát nước đô thị diễn ra ngày càng phổ biến làm tăng chi phí sửa chữa thường xuyên. Ngoài ra, hệ thống suối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột là nguồn tiếp nhận quan trọng của hệ thống thoát nước, vẫn chưa được quản lý hiệu quả; tình trạng lấn chiếm, san lấp thu hẹp lòng suối, cá biệt có một số nơi san lấp mất hẳn lòng suối gây ngập úng cục bộ trong thời gian qua cần phải được quan tâm, xử lý triệt để.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc