Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa

08:51, 30/07/2016

Nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Krông Pắc ngày càng đi vào chiều sâu. Tính hiệu quả và sức lan tỏa của các chương trình trong phong trào đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH cho biết, qua 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDDSVH (từ năm 2000 đến 2015) trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Nhiều gương người tốt việc tốt, nhiều tập thể, cá nhân của huyện có thành tích trong công tác, lao động sáng tạo đã kịp thời được tuyên dương, khen thưởng. Điển hình như phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động nhân dân đóng góp trên 460 tỷ đồng, tham gia gần 80.000 ngày công, hiến trên 32.000 m2 đất, phá bỏ 3 km tường rào để thi công các công trình, đường giao thông, nạo vét kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn... Tiêu biểu có ông Phan Ngọc Bé (thôn 8, xã Hòa An) hiến 240 m2 đất để xây dựng hội trường; ông Nguyễn Đình Vượng thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông hiến 200 m2 đất ở để xây dựng đường giao thông nông thôn…

Nhân dân huyện Krông Pắc đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân huyện Krông Pắc đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, nhờ vậy chất lượng và số lượng GĐVH tăng theo từng năm. Cụ thể năm 2005, toàn huyện có 16.655 hộ đạt GĐVH, đến năm 2015 có 36.508 hộ. Song song với đó, phong trào thi đua xây dựng “thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa” cũng được các cấp ngành quan tâm nhân rộng. Đến nay, huyện đã công nhận 165/284 thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa, xã Hòa Đông và Ea Kly được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Được triển khai từ năm 2005, đến nay 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong toàn huyện tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn minh công sở. Đi đầu trong phong trào này phải kể đến đơn vị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp tỉnh, 216 đề tài cấp cơ sở, hằng năm có 98% cán bộ, giáo viên được công nhận lao động tiên tiến, 97% học sinh đạt hạnh kiểm tốt và khá. Năm 2015, nhà trường đã vinh dự được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh.

Qua các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân giáo dục cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng”, quần chúng nhân dân đã giúp đỡ, cảm hóa giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật trở thành công dân tốt, tạo cho họ công ăn việc làm ổn định. Toàn huyện hiện có 284 tổ hòa giải, nhờ đó đã hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bất hòa trong gia đình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện trong thời gian tới, bà Ngô Thị Minh Trinh nhấn mạnh: “Cần tuyên truyền sâu rộng về phong trào, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Bên cạnh đó, cần coi trọng việc xây dựng các mô hình điểm trong triển khai phong trào, nâng cao chất lượng tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa, hướng mục tiêu về đích sớm trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao gắn với đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân”.     

Hồng Chuyên
 


Ý kiến bạn đọc