Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

06:40, 24/07/2016

Mới đây, trong lễ tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của một huyện, bên cạnh những mặt đạt được, lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện phong trào như: bệnh thành tích, hình thức, sự trùng lắp, chồng chéo về tiêu chí, thiếu cơ sở sinh hoạt văn hóa…

Theo quy định, một hộ gia đình để được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) thì phải thực hiện tốt 3 tiêu chuẩn: gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Mỗi tiêu chuẩn đều có quy định cụ thể. Nếu hộ gia đình nào có thành viên vi phạm bất kỳ hình thức nào, kể cả bị xử phạt hành chính hoặc vắng họp tổ dân cư tự quản 2 lần/năm, thì chưa được công nhận danh hiệu GĐVH hoặc sẽ bị cắt danh hiệu đã đạt trước đó. Trên thực tế, ở không ít nơi chỉ họp bình bầu qua loa hoặc số người dự họp quá ít khiến việc bình xét không đảm bảo chất lượng. Song song đó, một khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa phải bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học trở lên; từ 70% hộ gia đình trở lên được công nhận GĐVH, trong đó có ít nhất 50% GĐVH được công nhận từ 3 năm trở lên; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, ngoài ra còn có đầy đủ các tiêu chuẩn khác như thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng… Thế nhưng không ít nơi việc bình xét được thực hiện một cách tùy tiện với căn bệnh chạy theo thành tích, mà chưa đi vào từng tiêu chí cụ thể. Một trong những vấn đề được đặt ra nữa là vừa qua khá đông các địa phương không tổ chức việc trao danh hiệu GĐVH mà thường thì các trưởng thôn, buôn lại đưa đến từng hộ gia đình, nếu không có người ở nhà thì “nhét” qua hàng rào, khe cửa… và như vậy đã làm mất đi tính trang trọng; cũng có không ít thôn, buôn văn hóa mà những bảng hiệu, cổng chào bị bong tróc chữ, xiêu vẹo hay còn treo những lá cờ đã quá cũ kỹ, bạc màu... Thậm chí, có nơi không tổ chức lễ tổng kết phong trào để nhìn nhận, đánh giá kết quả đã làm hay nhìn nhận lại những điều chưa thực hiện được.

Thiết nghĩ, để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực chất, cần thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các khu dân cư trong từng địa phương, gia đình để nhận xét và chấm điểm cho nhau; lấy ý kiến cộng đồng bằng cách phát phiếu đánh giá, nhận xét; mặt trận các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan cần xem xét, kiểm tra và đánh giá thực chất các danh hiệu đó để đúng với ý nghĩa của nó.    

                Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.