Multimedia Đọc Báo in

Thêm ấm lòng Mẹ

10:08, 27/07/2016
Cùng với việc bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ những chế độ chính sách cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), thời gian qua, các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những hy sinh lớn lao của các Mẹ, trong đó có việc chung tay, nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ … 
 
Có lẽ lâu lắm rồi, ngôi nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tùng (trú tại thôn Phước Trạch 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) mới ấm cúng, đông vui đến thế, bởi ngoài các con cháu sum họp đông đủ, còn có sự hiện diện của đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo UBND huyện, chính quyền địa phương, bà con lối xóm trong ngày Viễn thông Đắk Lắk nhận phụng dưỡng Mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Tùng có chồng là Trần Quyên (hy sinh năm 1969) và con gái là Nguyễn Thị Tùng (lấy tên của Mẹ, hy sinh năm 1975). Mẹ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH năm 2014. Hơn một năm sau, đúng vào dịp toàn tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 thì Mẹ lại có thêm niềm vui mới. Gương mặt rạng ngời niềm vui, bằng chất giọng Quảng Nam đặc trưng, bộc trực, Mẹ mắng yêu : “Các con về đây là Mẹ vui rồi, không phải quà cáp bày vẽ làm gì”. Còn Giám đốc Viễn thông Đắk Lắk Nguyễn Hữu Anh thì chia sẻ: “Kể từ hôm nay, với việc đảm nhận phụng dưỡng Mẹ, hơn 600 người con là cán bộ, nhân viên Công ty có trách nhiệm chăm lo, động viên cả về vật chất, tinh thần, giúp Mẹ có thêm niềm vui lúc tuổi già. Trước mắt ngoài số tiền 1 triệu đồng, Công ty còn tặng 1 ti vi để Mẹ xem giải trí, đồng thời chỉ đạo đoàn viên thanh niên thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc, vệ sinh nhà cửa cho Mẹ”. 
Lãnh đạo Công ty Viễn thông Đắk Lắk thăm hỏi, động viên  Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tùng (xã Ea Phê, Krông Pắc).
Lãnh đạo Công ty Viễn thông Đắk Lắk thăm hỏi, động viên Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tùng (xã Ea Phê, Krông Pắc).

Cùng chung niềm vui với Mẹ Tùng, trong dịp này, ở nhà cạnh bên, Mẹ Nguyễn Thị Tiết (90 tuổi), cũng được Công an tỉnh nhận phụng dưỡng.  Mẹ Tiết có chồng và một người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một người con khác công tác tại Công an tỉnh cũng hy sinh trong cuộc chiến chống Pôn Pốt Iêng Xari. Thay lời Mẹ, cô con gái út Văn Thị Na chia sẻ: “Hiện nay kinh tế gia đình đã cơ bản ổn định, con cháu có thể chăm lo chu đáo cho mẹ. Điều làm mẹ tôi cũng như gia đình vui đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước vì những đóng góp của mẹ cho độc lập tự do của đất nước cũng như trách nhiệm của các thế hệ đi sau thể hiện đối với mẹ. Đó chính là “liều thuốc” tinh thần quan trọng, động viên mẹ tôi lúc tuổi già”. 

Còn trước đó, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk cũng đã nhận phụng dưỡng Mẹ Phạm Thị Bẻn (trú tại Tổ dân phố 2, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột). Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, Chủ tịch Công ty Nguyễn Viết Tượng đã gửi đến Mẹ tấm lòng tri ân sâu sắc của cán bộ, công nhân viên Công ty đối với những hy sinh, mất mát của Mẹ và hy vọng với việc làm nhỏ này, phần nào làm vơi đi những mất mát, đồng thời tiếp thêm động lực để Mẹ luôn sống vui với đàn con cháu. 
 
Theo Sở Lao động – Thương binh và xã hội, trên địa bàn toàn tỉnh có 498 Mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH theo Nghị định 176 và 56, trong đó có 53 Mẹ còn sống. Thời gian qua song song với việc bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các Mẹ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng. Hưởng ứng lời kêu gọi trên và xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình hưởng ứng, với kết quả đến nay tất cả 53 Mẹ đều đã được nhận phụng dưỡng.
 
Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.