Multimedia Đọc Báo in

Vẹn nghĩa tình đồng đội

09:43, 25/07/2016

Kết thúc chiến tranh, phần lớn những cựu tù yêu nước ở huyện Cư M’gar đều mang trong mình bệnh tật, phải mất nhiều năm điều trị, cũng có người phải sống chung với bệnh tật cả đời. Bằng nghĩa tình đồng đội năm xưa, họ gắn kết với nhau, thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau vượt qua bao khó khăn của đời thường…

Hơn 100 hội viên của Hội tù yêu nước huyện Cư M’gar đều đã ngoài 60 tuổi, nhưng những gian khổ mà họ trải qua có lẽ chẳng ai có thể quên được. Một thời, họ đã hiến dâng cả tuổi xuân cho cách mạng, người tham gia giao liên, người rải truyền đơn, địch vận, tiếp tế cho bộ đội… và trong cuộc chiến một mất một còn ấy, họ không may rơi vào tay giặc, bị giam cầm qua các nhà lao Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Côn Sơn, Hội An… Người ít nhất từ vài tháng, cao hơn thì đến 15 năm. Một trong số đó là bà Lê Thị Nga (khối 7, thị trấn Quảng Phú) mới ngoài 17 tuổi đã 2 lần bị địch bắt, với tổng cộng 25 tháng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, đã nếm trải những màn tra tấn dã man của địch; hay như bà Lê Thị Nhứt (thị trấn Quảng Phú) giờ đã ngoài sáu mươi nhưng khi chưa tròn 20 tuổi cũng từng bị bắt giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, phải hứng chịu không biết bao nhiêu đòn roi tra tấn của kẻ thù, nhưng địch không thể khai thác được gì từ những phụ nữ kiên trung ấy.

Hội  viên Hội tù yêu nước Cư M'gar trong một lần gặp gỡ, thăm hỏi nhau.
Hội viên Hội tù yêu nước Cư M'gar trong một lần gặp gỡ, thăm hỏi nhau.

Chiến tranh đi qua, trở về với đời thường, người lành lặn, nhưng cũng có người với bao vết thương hằn trên cơ thể, bệnh tật không thôi dày vò. Và cũng chính trong hoàn cảnh ấy, tình đồng chí, đồng đội năm xưa lại càng trỗi dậy. Cứ mỗi dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm 30-4, 27-7… Hội tù yêu nước huyện Cư M’gar đều tổ chức gặp mặt hay dành những món quà nhỏ, lời thăm hỏi, động viên đến từng hội viên. Mỗi lần có dịp gặp nhau như thế, họ lại mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau rồi bắt đầu “điểm danh quân số” xem ai còn, ai mất. Hễ người nào ốm đau hay gặp khó khăn, lập tức mọi người lại đến thăm hỏi, kịp thời giúp đỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn... Đáng trân trọng hơn, có những người kinh tế khấm khá một tí thì hết lòng gúp đỡ đồng đội vươn lên, điển hình như bà Lê Thị Nhứt, dù nắng hay mưa, mỗi khi hay tin đồng đội ốm, đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống bà lại đến thăm nom, gom góp số tiền ít ỏi dành dụm được để san sẻ, giúp đỡ. Bà Nhứt cho hay, khi chung tay thực hiện những hành động nghĩa tình này, các hội viên không đặt nặng vấn đề vật chất, số tiền quyên góp được ít hay nhiều, mà quan trọng hơn là thể hiện sự quan tâm đến đồng đội của mình nhất là những người đang phải một mình vật vã với bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời.

Đáng ghi nhận là trong 5 năm qua, Hội tù yêu nước huyện Cư M’gar đã vận động xây mới, sửa chữa, hỗ trợ làm được 12 căn nhà, trị giá trên 365 triệu đồng tặng các cựu tù yêu nước đang gặp khó khăn về nhà ở. Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Hội cho hay, đại đa số hội viên đều có tuổi cao sức yếu, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nên việc thăm nom, giúp đỡ lẫn nhau luôn được hội chú trọng. Đến nay, hội đã xóa được nhà tạm bợ trong hội viên, bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều hoạt động về nguồn ý nghĩa như tổ chức cho các cựu tù đi thăm lại nhà tù Phú Quốc, viếng Lăng Bác và tham quan các tỉnh phía Bắc…

Nhờ đó, tuy tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng suy kiệt do di chứng địch tra tấn trong những năm tù đày, nhưng các cựu tù luôn cảm thấy ấm lòng khi xung quanh họ là những đồng đội luôn yêu thương và sẻ chia. Đó chính là niềm an ủi với những gì họ đã cống hiến trong chiến tranh, như cựu tù Lê Thị Nga bày tỏ: “Không biết bao nhiêu đòn roi của địch còn vượt qua được, sá gì mà mình không thể đứng dậy, chống chọi được với bệnh tật trong vòng tay của đồng đội…”.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.