Multimedia Đọc Báo in

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Từ cuộc vận động đến phong trào sâu rộng

09:04, 19/09/2016

Từ năm 2000, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được nâng lên thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội với sự  tham gia thường xuyên, rộng rãi và tích cực của các ban, ngành, đoàn thể.

Ở Đắk Lắk, phong trào này đã được các cấp chính quyền địa phương lồng ghép, gắn kết với các chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội cho người dân, nhất là vùng nông thôn đang trên đà thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.  

Huy động mọi nguồn lực

Theo Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐKXDĐSVH) tỉnh, trong 15 năm qua (2000-2015) đã có hơn 650.000 m2 đất được các hộ dân trên địa bàn hiến tặng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại vùng nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và thụ hưởng dân sinh tại chỗ. Theo đó, tổng số tiền đóng góp của người dân là hơn 817 tỷ đồng và khoảng 89.000 ngày công lao động để chung sức cùng Nhà nước xây dựng dựng nông thôn mới.

Thanh niên tình nguyện xã Hòa An, huyện Krông Pắc làm vệ sinh tại các khu dân cư.  Ảnh: Vân Anh
Thanh niên tình nguyện xã Hòa An, huyện Krông Pắc làm vệ sinh tại các khu dân cư. Ảnh: Vân Anh

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phong trào trên cho hay: Điển hình cho việc huy động mọi nguồn lực đáng kể ấy là các cấp Hội (nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên) huyện Ea Kar, Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Bông, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột… đã huy động trên 107 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 2.184 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa và cải tạo lại khoảng 16.000 căn nhà dột nát theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mua bò sinh sản tặng hộ nghèo và giúp đỡ cho trên 2.500 hộ khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Đây là kết quả quan trọng và đáng ghi nhận từ khi phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH được phát động trên địa bàn tỉnh. Thông qua phong trào này đã góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hoàn cảnh, số phận kém may mắn đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ ngày càng nhiều hơn của cộng đồng và xã hội, trong đó phải kể đến “cầu nối” quan trọng và thiết thân nhất chính là các cấp hội, đoàn thể đóng vai trò hạt nhân phát động, thực hiện phong trào theo hướng toàn diện và sâu rộng hơn.

Khẳng định ý nghĩa của phong trào

Có thể nói phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH đã tạo nên sức bật mới, thu hút mối quan tâm của toàn xã hội. Nhờ vậy hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh khi bắt tay triển khai, thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đều nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Chẳng hạn như các chương trình: Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và phát triển, Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Chăm lo sự nghiệp giáo dục, sức khỏe cho toàn dân; Xây dựng môi trường - cảnh quan bền vững, sạch đẹp… đạt được những kết quả bước đầu khả quan là nhờ sức dân được tập hợp, phát huy thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của phong trào. Từ sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực đó giữa người dân - chính quyền đã tạo được cơ sở vững chắc để thực hiện phong trào ngày một sâu rộng, hiệu quả hơn. Đến nay toàn tỉnh đã có 103/152 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 19 xã đã được công nhận; 32/32 phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị, trong đó có 6 phường, thị trấn được công nhận.

Phụ nữ xã Hòa An - huyện Krông Pắc làm đường giao thông nông thôn.   Ảnh: Vân Anh
Phụ nữ xã Hòa An - huyện Krông Pắc làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Vân Anh

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, thông qua các hoạt động từ phong trào  đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh; giúp nhau phát triển kinh tế; chăm lo đời sống văn hóa- giáo dục - y tế; xóa đói, giảm nghèo; sống và chia sẻ với cộng đồng… như gia đình ông Nguyễn Xuân Thắng (xã Ea Toh, huyện Krông Năng), Đàm Thị Thơi (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo), ông Y Nuê Niê (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk), Nguyễn Thị Hương, Lê Văn Tuấn (xã Ea M’Nang, huyện Cư M’gar)… Những điển hình ấy đã góp phần thuyết phục hơn tính chất thiết thân và ý nghĩa to lớn của phong trào, qua đó củng cố niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, cũng như những năm tiếp theo.

Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH tỉnh cho biết, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào trên (dự kiến cuối tháng 9-2016) sẽ đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 cá nhân, 64 gia đình, 110 tập thể (là thôn, buôn, tổ dân phố và cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn vì đã có những đóng góp xuất sắc cho phong trào trong thời gian qua. Đặc biệt tỉnh cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL tặng Bằng khen cho ông YBhiu Mlô - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Búk, ông Nguyễn Đức Hanh-Trưởng Phòng Văn hóa huyện Cư Kuin, Cán bộ và nhân dân thôn Tân Trung, xã Ea Kuênh, huyện Krông Pắc.


Phương Đình


Ý kiến bạn đọc