Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên làm kinh tế giỏi, hoạt động Đoàn tích cực

08:50, 20/11/2016

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Dương Đức Anh (SN 1990, trú tại thôn 9, xã Ea H'Mlay, huyện M'Đrắk) đành gác lại ước mơ đại học để về phụ giúp cha mẹ làm kinh tế nuôi hai em ăn học.

Ban đầu anh phụ cha mẹ chăm sóc vườn cà phê gần 2 ha mà gia đình nhận khoán của Công ty 715 B từ năm 1981. Một thời gian sau, nhận thấy chỉ dựa vào nguồn thu từ 2 ha cà phê thì cả gia đình có 5 nhân khẩu chỉ đủ ăn chứ không có tích lũy, anh Đức Anh trăn trở tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế. Anh bàn với cha mẹ nhận chăm sóc thêm 1,5 ha cà phê vối của Công ty và tận dụng diện tích vườn của gia đình nuôi bò sinh sản, trồng 3 ha rừng, đào ao thả cá và  nuôi thêm gà vừa để cải thiện bữa ăn hằng ngày và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Dương Đức Anh trong vườn cây của gia đình.
Dương Đức Anh trong vườn cây của gia đình.

Thời gian đầu, do chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật chăm sóc cà phê và chăn nuôi, Đức Anh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với đức tính cần cù, chịu khó, anh vừa trồng trọt, chăn nuôi, vừa đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay trong và ngoài xã, tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, mô hình kinh tế mà anh tạo dựng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo việc làm cho 5 lao động theo mùa vụ với mức lương 6 triệu đồng/người. Không dừng lại ở đó, năm 2013, sau khi tham quan các mô hình trồng tiêu hiệu quả ở địa phương, Đức Anh tiếp tục đầu tư trồng thử nghiệm 50 trụ tiêu xen canh cây cà phê và đến nay đã phát triển được 150 trụ, trong đó có 50 trụ đã cho thu hoạch. Hiện nay, với mức thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình anh đã có bước phát triển ổn định.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Đức Anh còn là một Phó Bí thư Chi đoàn năng động của thôn 9 (xã Ea H’Mlay). Anh luôn đi đầu trong các hoạt động Đoàn và các phong trào của địa phương, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên gặp khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế của mình và vận động các đoàn viên thanh niên khác cùng phát triển kinh tế. Với những nỗ lực của mình, năm 2015 Đức Anh vinh dự được kết nạp Đảng. 

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.