Multimedia Đọc Báo in

Học tiếng dân tộc thiểu số để gần và hiểu dân hơn

09:49, 22/11/2016

Những ngày này, tại hội trường Trung đoàn 584 (Bộ CHQS tỉnh) thường tập trung khá đông học viên tham gia lớp học tiếng Êđê do giáo viên thuộc Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc (Sở Giáo dục và Đào tạo) giảng dạy.

Lớp học được Bộ CHQS tỉnh tổ chức dành cho cán bộ làm công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh nhằm giúp học viên nâng cao trình độ, khả năng giao tiếp bằng tiếng Êđê; qua đó có thể vận dụng trong quá trình công tác, phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng vùng dân tộc thiểu số.

Giảng viên H’Phai Byă hướng dẫn  học viên  học tiếng Êđê.
Giảng viên H’Phai Byă hướng dẫn học viên học tiếng Êđê.

Xác định học để biết và phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, nên học viên học tập rất nghiêm túc, giáo viên cũng rất nhiệt tình. Sau mỗi bài giảng, giáo viên thường dành cho lớp thời gian ôn tập lại nội dung vừa học. Giáo viên H’Phai Byă đánh giá: “ Một điều đặc biệt ở lớp học là học viên có tính kỷ luật rất cao, đến lớp đúng giờ, chăm chú trong nghe giảng, sôi nổi khi thảo luận. Với những nội dung chưa hiểu, họ thường không ngần ngại chia sẻ để giáo viên và các bạn cùng lớp hỗ trợ”...

Trong 1 tháng (từ ngày 7-11 đến 6-12), 54 học viên được truyền đạt một số nội dung: kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; giao tiếp hằng ngày; tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê… và một số vấn đề chính trị, thời sự; tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Được đơn vị phân công tham gia lớp học, Thượng úy Vương Thế Mạnh, Trợ lý chính trị (Ban CHQS TP. Buôn Ma Thuột) tranh thủ mọi thời gian học và ôn tập lại kiến thức. Ngày mới theo học, anh khá nản bởi thấy tiếng Êđê khó phát âm, khó nhớ. Sau một thời gian, nhờ sự chỉ dẫn tận tình của giáo viên, sự hỗ trợ của đồng đội, anh tiếp thu tốt hơn hẳn. Nhờ những kiến thức được học cùng với kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc cùng bà con, anh đã tích lũy thêm nhiều điều hay. Anh tâm sự: “Đơn vị cử đi học nghĩa là đặt niềm tin vào chúng tôi rất nhiều. Hơn thế, qua quá trình học, tôi nhận thấy khi mình đã chú tâm thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Hiện tôi đã có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Êđê với bà con ở buôn”.

Là đội viên Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Phong thường xuyên công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa và có nhiều cơ hội tiếp xúc với đồng bào Êđê, nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên anh gặp không ít trở ngại trong giao tiếp. Năm 2002, trong một lần về cơ sở, anh quyết tâm học tiếng Êđê, những người thầy đầu tiên của anh, không ai khác ngoài bà con buôn làng. Bằng sự kiên trì, nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ đắc lực của bà con, dần dần anh đã sử dụng thông thạo tiếng Êđê. Anh tham gia lớp học này với mong muốn sẽ tích lũy được nhiều hơn những hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào.

Các học viên nghiêm túc trong giờ học
Các học viên nghiêm túc trong giờ học.

Thông thạo tiếng nói, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào Êđê và biết áp dụng vào thực tiễn công tác sẽ góp phần tạo niềm tin cho bà con, xóa đi khoảng cách vô hình do bất đồng ngôn ngữ, từ đó công tác tuyên truyền, bám, nắm địa bàn cũng sẽ thuận lợi hơn. Phương châm công tác cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào sẽ phát huy được tối đa hiệu quả của công tác dân vận.  

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.