Multimedia Đọc Báo in

Những ngôi nhà 1.000 đồng của tuổi trẻ Ea Kar

08:58, 11/11/2016

Những năm qua, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong huyện tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, tiêu biểu như Chương trình góp quỹ để xây dựng nhà Nhân ái - “Ngôi nhà 1.000 đồng”.

Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã thành lập Quỹ “Xây dựng nhà 1.000 đồng” với mục tiêu xây dựng 10 nhà Nhân ái tặng các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở… nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Huyện Đoàn đã rà soát, nắm tình hình các gia đình khó khăn cần hỗ trợ, từ đó thông tin qua các buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, buôn hay qua hệ thống phát thanh cơ sở để vận động ĐVTN ủng hộ. Theo đó, mỗi ĐVTN, đội viên các liên đội trong toàn huyện đóng góp 2.000 đồng/năm (chia làm 2 đợt, mỗi đợt 1.000 đồng). Không chỉ ĐVTN mà nhiều lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong huyện cũng tích cực tham gia ủng hộ.

Huyện Đoàn Ea Kar và chính quyền địa phương tham dự lễ bàn giao nhà Nhân ái cho gia đình anh Vương Đình Nam (thôn 1, xã Xuân Phú).
Huyện Đoàn Ea Kar và chính quyền địa phương tham dự lễ bàn giao nhà Nhân ái cho gia đình anh Vương Đình Nam (thôn 1, xã Xuân Phú).

Chị H’Nan Byă, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Ea Kar cho biết: “1.000 đồng đối với một người thì thấy số tiền rất nhỏ, nhưng với sự chung tay của tất cả mọi người sẽ thành một nguồn quỹ làm được nhiều việc ý nghĩa. Mặc dù chỉ yêu cầu 1.000 đồng nhưng đa số ĐVTN đóng góp nhiều hơn. “Tích tiểu thành đại”, số tiền đóng góp được thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo, trong đó có xây nhà Nhân ái”.

Từ năm 2014 đến nay, Huyện Đoàn Ea Kar đã vận động, hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà tặng gia đình chính sách, cán bộ Đoàn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng (mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 25 triệu đồng). Bên cạnh đó, ĐVTN còn hỗ trợ ngày công để giảm bớt chi phí xây dựng cho các gia đình.

 

Mục tiêu trong năm 2017 của Huyện Đoàn Ea Kar là tiếp tục vận động góp quỹ xây dựng thêm 3 căn nhà để hoàn thành mục tiêu 10 ngôi nhà trong nhiệm kỳ 2012-2017. Phong trào này cũng nhằm giáo dục ĐVTN về ý thức tiết kiệm, tinh thần “tương thân tương ái”, chia sẻ vì cộng đồng… 

 
 
Chị  H’Nan Byă , Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Ea Kar

Cô Vũ Thị Miên (thôn 6B, xã Ea Păl) là cựu thanh niên xung phong, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 người con đang tuổi ăn học, trong đó 1 người bị ảnh hưởng của di chứng chiến tranh. Cuộc sống vô cùng khó khăn nên gia đình 4 người phải sống trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, không có khả năng để sửa chữa. Trước hoàn cảnh đó, Huyện Đoàn hỗ trợ 25 triệu đồng xây nhà, lại được các ĐVTN giúp đỡ ngày công, gia đình cô có được căn nhà cấp 4 diện tích hơn 50 m2, với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng. Ngày khánh thành, mấy mẹ con cô tất bật chuyển đồ đạc vào nhà mới với niềm vui khôn xiết.

Anh Vương Đình Nam (thôn 1, xã Xuân Phú) là Bí thư Chi đoàn thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất sản xuất, cả 2 vợ chồng phải làm thuê cuốc mướn để nuôi 3 con nhỏ. Tháng 7-2016, Huyện Đoàn Ea Kar trích từ quỹ 1.000 đồng hỗ trợ 25 triệu đồng cho vợ chồng anh xây ngôi nhà diện tích khoảng 50 m2 với tổng kinh phí 70 triệu đồng. Anh Nam tâm sự: “Nhờ được quỹ 1.000 đồng của Huyện Đoàn giúp đỡ, gia đình tôi mới có một nơi ở tươm tất, kiên cố như này”.

Đầu tháng 10-2016, Huyện Đoàn cũng đã khởi công xây dựng nhà Nhân ái tặng gia đình em H’Tram Niê (học sinh lớp 5 Liên đội Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kmút). Em H’Tram Niê là đội viên gương mẫu, chăm ngoan, học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cả 6 người (bố mẹ và 4 anh chị em) phải sinh sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo. Được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, ngôi nhà rộng khoảng 32 m2, với tổng kinh phí 30 triệu đồng đang trong giai đoạn thi công và sẽ sớm hoàn thiện, giúp gia đình em ổn định cuộc sống. Đây là ngôi nhà thứ 7 được Huyện Đoàn Ea Kar hỗ trợ xây dựng trong nhiệm kỳ 2012-2017.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.