Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt phá bỏ "rào cản" trong công tác cải cách hành chính

08:58, 11/11/2016

Kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, tiến độ CCHC vẫn còn chậm, hiệu quả thấp so với mục tiêu đặt ra; một số cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ CCHC còn mang tính hình thức...

Tiến độ CCHC vẫn còn chậm

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện CCHC Nhà nước năm 2016 trên địa bàn tỉnh (Đoàn kiểm tra 1765), qua kiểm tra tại 9 sở, ngành, 5 huyện và 20 xã, thị trấn trực thuộc các huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Krông Pắc và M’Đrắk cho thấy: Các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về triển khai các nhiệm vụ CCHC; chú trọng thực hiện CCHC tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các đơn vị, địa phương đã đặc biệt quan tâm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính…

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).
Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ CCHC vẫn còn chậm, công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế nhất định. Một trong những điểm yếu đó là việc triển khai thực hiện  nhiệm vụ CCHC còn bị động, chủ yếu phụ thuộc chỉ đạo của các cơ quan cấp trên; một số cơ quan, đơn vị triển khai còn mang tính hình thức. Tình trạng chậm trễ trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc vẫn còn xảy ra ở nhiều đơn vị được kiểm tra như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền Thông, Sở Tài chính và các huyện: Lắk, M’Đrắk, Krông Pắc.

Mặt khác công tác kiểm soát TTHC ở nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt, chậm tham mưu UBND tỉnh công bố, thay thế, sửa đổi, bổ sung. Việc công khai TTHC chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận, tìm hiểu thông tin hoặc phản ánh, kiến nghị các vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tuy hầu hết đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, song người dân vẫn đánh giá là chưa thuận tiện khi sử dụng trang thiết bị tại nơi giải quyết TTHC...

Một điều dễ nhận thấy qua thực tế kiểm tra đó là những đơn vị, địa  phương có kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ CCHC là những nơi có người đứng đầu quan tâm đến công tác CCHC. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa các đơn vị, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt công tác CCHC...

Cần quyết liệt phá bỏ “rào cản”

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để phá bỏ những “rào cản” và tạo sự đột phá trong công tác CCHC, trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần phải có những động thái tích cực, quyết liệt  hơn nữa,  trong đó chú trọng thực hiện các nội dung gồm: Tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai công tác CCHC; tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước thông qua việc thực hiện xin lỗi bằng văn bản và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong giải quyết TTHC quá hạn. Nếu cơ quan, tổ chức để quá hạn giải quyết hồ sơ từ lần thứ hai trở lên đối với một hồ sơ thì phải xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.

 

Để đạt kết quả tốt trong công tác CCHC cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là công tác chỉ đạo điều hành, mà đặc biệt là sự quan tâm, theo dõi sát sao của cấp ủy Đảng, sự quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...

 

 
Ông  Hoàng Mạnh Hùng , Phó Giám đốc Sở Nội vụ. 

Đi đôi với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư công vụ của tỉnh; tổ chức khen thưởng kịp thời các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác CCHC thì cần kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, không hoàn thành nhiệm vụ. Một yêu cầu nữa là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao đạo đức công vụ, năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức...

Cũng theo ông Hùng, ngoài những yêu cầu trên thì rất cần có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó trước mắt là hoàn thiện kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm rằng phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền quan tâm xử lý.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.