Những nhà sáng chế trẻ
Ham học hỏi và biết cách vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học, cùng với đôi tay khéo léo, nhiều học sinh đã làm ra các mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống.
Sáng tạo từ nhu cầu cuộc sống
Tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ IV năm 2016, đề tài “Chiếc xe đa năng tự động hóa quy trình thu gom, đảo, trộn, trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác” của em Y Na Hôm Kbuôr (học sinh lớp 9A, Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Cư M’gar) đã xuất sắc giành giải Nhất; được lựa chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ XII năm 2016 và giành giải Khuyến khích.
Hai em Y Na Hôm Kbuôr (ngồi giữa) và Võ Thành Nhân chia sẻ về quá trình sáng tạo tại lễ tổng kết Cuộc thi. |
Kinh tế gia đình khó khăn, từ nhỏ Y Na Hôm Kbuôr phải ở với bà ngoại. Hằng ngày, ngoài việc học ở trường, Y Na Hôm còn phụ giúp bà việc nhà cũng như việc nương rẫy. Vào mùa thu hái cà phê, bà ngoại thường phải thu gom, đảo trở, vận chuyển cà phê, tiêu và các loại nông sản khác bằng những công cụ thô sơ truyền thống, mất nhiều sức trong khi tuổi tác ngày càng già yếu, nhất là khi trời mưa, công việc này đòi hỏi phải nhanh và khẩn trương hơn. Thấu hiểu được sự vất vả đó, Y Na Hôm đã nghĩ ra một chiếc xe đa năng để giúp giảm bớt sức lao động, an toàn, giảm thời gian, tiết kiệm kinh phí mua sắm dụng cụ, đặc biệt hơn là giúp cho người có sức khỏe yếu có thể tham gia lao động để phát triển kinh tế gia đình.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, Y Na Hôm cho biết: “Chiếc xe đa năng này được tích hợp từ những dụng cụ cũ như: xe đẩy cút-kit, cào răng, cào trang đẩy, cào trang kéo và bánh cước với một động cơ điện để hỗ trợ lực có thể vận hành tiến hoặc lùi theo ý và có thêm hệ thống phanh giảm tốc độ khi xuống dốc. Xe có thể vừa thu gom, vừa đảo trở, trộn các loại nông sản dạng hạt, vừa vận chuyển các loại nông sản, tạo luống lớn khi phơi. Ngoài chức năng trên còn có thể dùng để thu gom cây đậu, rơm rạ hay sử dụng vận chuyển hàng hóa, vật dụng, vật liệu xây dựng một cách nhanh chóng với số lượng nhiều…”.
Chàng trai “kính cận” mê công nghệ
Tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh THPT năm học 2015-2016 (tổ chức tại Hải Phòng tháng 3-2016), với đề tài “Phần mềm tìm hiểu về các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới”, em Võ Thành Nhân (học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) đã giành giải Nhất. Sau đó, em đã chỉnh sửa những nhược điểm của mô hình rồi tiếp tục tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ IV năm 2016 và giành giải Nhì, đồng thời đoạt thêm giải Khuyến khích quốc gia.
Em Võ Thành Nhân và sản phẩm của mình. |
Để thực hiện phần mềm này, trước hết em tiến hành thu thập thông tin về các nhân vật lịch sử như: tiểu sử, hình ảnh, video tiêu biểu về cuộc đời và hoạt động... Sau đó tinh lọc những thông tin cơ bản, tổng quát về nhân vật với sự giúp sức của các giáo viên lịch sử để bảo đảm thông tin chính xác và tổng quát nhất khi giới thiệu về nhân vật đó. Cuối cùng dùng phần mềm máy tính để lưu trữ và cập nhập thông tin.
Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng tỉnh được tổ chức nhiều năm nay và đã đạt được nhiều kết quả, thu hút ngày càng đông đối tượng là thanh-thiếu niên, nhi đồng từ 6-19 tuổi trong toàn tỉnh tham gia. Cuộc thi thực sự khơi dậy tiềm năng sáng tạo, giúp các em trau dồi kiến thức, xây dựng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai”
Ông
Phan Minh Quốc
, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng Ban tổ chức Cuộc thi.
|
Hằng ngày, sau giờ học chính khóa, Nhân trở về phòng trọ cặm cụi với chiếc máy vi tính để thiết lập phần mềm này, nhiều lúc quên cả giờ ăn cơm. Thời gian đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn, vì kiến thức lịch sử chưa nhiều và đặc biệt đây là lần đầu tiên lập trình một phần mềm tin học nên chưa có kinh nghiệm, chủ yếu là tự mày mò, tìm hiểu. Cuối cùng, sau gần 3 tháng miệt mài, Nhân đã hoàn thành sản phẩm. Phần mềm tra cứu này đã phần nào giúp học sinh cũng như giáo viên có thêm tài liệu tham khảo trong việc học tập và nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt là môn lịch sử đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia
Ước mơ trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Nhân dự định sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhiều đối tượng, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Cuộc thi còn có những mô hình, sản phẩm có tính ứng dụng cao trong trong đời sống như: Mô hình “Máy nước nóng năng lượng mặt trời giá rẻ” của nhóm tác giả Lê Đăng Nguyên Sang (lớp 11A4), Đào Bảo Trân (lớp 12A8) và H’Mương Êban (lớp 11A3), cùng học Trường THPT Cư M’gar đoạt giải Nhì; mô hình “Khôi phục hệ điều hành máy vi tính nhanh chóng và hiệu quả” của tác giả Nguyễn Văn Huy (lớp 9A, Trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Ea Kar) - đoạt giải Ba; sản phẩm “Kem chống muỗi dưỡng da” của 2 tác giả Vũ Kim Phụng (lớp 10B) - Bùi Trung Kính (lớp 10D), Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Krông Búk - đoạt giải Ba cấp tỉnh…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc