Tạo thêm bước chuyển mới trong cải cách hành chính
Với 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính, Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nhiều nội dung được cải cách
Trong những năm qua, tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị đã được cải cách theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Đơn cử như: số lượng phòng chuyên môn thuộc sở, ngành giảm so với trước; một số đơn vị sự nghiệp được kiện toàn như Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức lại thành Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường… UBND tỉnh còn tăng cường phân cấp quản lý cho cấp huyện, cấp xã đối với các lĩnh vực đã đủ điều kiện, năng lực quản lý như: lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; điều chuyển, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng, thanh lý công trình cấp nước sạch nông thôn; cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức quản lý cán bộ, công chức nhằm phát huy vai trò của UBND các cấp trong quản lý đời sống xã hội, khắc phục tình trạng cấp trên làm thay nhiệm vụ, quyền hạn cấp dưới. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công được trao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch, tài chính, nhân lực, tổ chức cán bộ…
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Ảnh: L. Anh |
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đạt những kết quả quan trọng. Đến nay, Đắk Lắk đã được Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục với 314 vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh. Năm 2014, HĐND tỉnh đã thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nguồn nhân lực; điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng cho 19.623 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 81,25% cán bộ cấp xã đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Đối với nội dung cải cách tài chính công, tỉnh đã thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, 283/283 cơ quan chuyên môn thuộc sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính; 1.106/1.107 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính. Nhiều đơn vị tự chủ về tài chính đã chủ động trong việc tuyển dụng lao động, sử dụng và quản lý chi tiêu các nguồn kinh phí hoạt động, tổ chức công việc hiệu quả, tiết kiệm, từ đó tiết kiệm được các khoản chi tiêu thường xuyên, tạo nguồn tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị mình.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế ở một số địa phương, đơn vị, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CCHC, cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thống nhất theo ngành, lĩnh vực. Trong đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện theo dõi, đánh giá chỉ số CCHC; đưa cải cách công vụ, công chức là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020; tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; xử lý những vướng mắc trong cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu quản lý, sử dụng; có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Thường xuyên duy trì các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổ chức lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đảm bảo ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ CCHC đạt được các mục tiêu, chương trình, hoạt động đề ra, tránh tình trạng giao việc nhưng không có cơ sở để thực thi; lập dự toán chi tiết việc triển khai công tác CCHC trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực; khuyến khích huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Công tác CCHC của tỉnh còn những hạn chế nhất định như: kết quả CCHC còn chưa theo kịp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện tỉnh chưa xây dựng được cơ chế phản hồi của công dân, doanh nghiệp trong tham gia giám sát kết quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; CCHC trong các cơ quan Đảng còn chậm; nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn nhưng chưa được tổ chức triển khai thực hiện kiên quyết; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chậm công bố, chậm thay thế, sửa đổi, bổ sung; mức độ chuyên nghiệp của cán bộ, công chức còn hạn chế. |
Minh Phụng - Ngọc Hùng
(Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc