Multimedia Đọc Báo in

Thêm sự sẻ chia với nông dân bị thiệt hại do thiên tai

08:53, 07/11/2016

Nhằm sẻ chia với những người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trong đợt hạn hán đầu năm, vừa qua Ban cứu trợ tỉnh đã tổ chức thăm, trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ quý báu của cộng đồng đã kịp thời động viên, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt.

Trong vụ lúa đông xuân vừa qua, ông Trần Văn Thôi (thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) xuống giống 1,7 sào lúa nước. Khi lúa chuẩn bị làm đòng thì gặp hạn, thiệt hại hoàn toàn. Tất cả công cán, phân tro đầu tư gần 2,5 triệu đồng cho đám lúa coi như mất trắng. Xót của, ông cắt lúa bán cho các hộ chăn nuôi nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng nấy và để có tiền trả nợ đại lý phân. Cầm trên tay số tiền 450.000 đồng do Ban cứu trợ tỉnh trao tặng ông mừng lắm, bởi nó đã phụ giúp ông trang trải khoản nợ nần.

Niềm vui của các hộ dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) khi nhận tiền hỗ trợ.
Niềm vui của các hộ dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) khi nhận tiền hỗ trợ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khôi (trú cùng xã Hòa An) cũng có hơn 2 sào lúa nước bị thiệt hại trong đợt hạn hán lịch sử vừa qua. “Lúc đầu tui còn bơm nước từ suối vào ruộng để cứu lúa, nhưng rồi suối cũng cạn trơ đáy, lúa ngày càng héo khô mà không có cách nào cứu”, ông Nguyễn Văn Khôi kể. 2 bao phân mua nợ gần 1 triệu đồng của đại lý cũng đã đến ngày trả chưa biết tính cách nào. Chạy vạy vay được 500.000 đồng, cộng thêm số tiền hỗ trợ trên đã giúp ông giải quyết được món nợ.

Theo thống kê, trong đợt hạn hán vừa qua toàn tỉnh có 58.655 ha đất sản xuất bị hạn, thiệt hại ước tính hơn 1.823 tỷ đồng. 

Ông Lê Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: trong đợt hạn hán vừa qua trên địa bàn tỉnh có 8 địa phương, gồm các huyện: Krông Pắc, Ea Súp, Ea H’leo, Cư Kuin, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn và Lắk bị ảnh hưởng nặng nề. Để góp phần hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại do hạn hán, song song với việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ, Ban cứu trợ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê những hộ bị thiệt hại, bảo đảm khách quan, minh bạch, công khai, đúng đối tượng; đồng thời hướng dẫn tiêu chí bình xét các đối tượng thụ hưởng, ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… Sau khi đã có danh sách thống kê, các địa phương lập hội đồng, tổ chức xét duyệt từng trường hợp, sau đó niêm yết công khai tại UBND xã và thông báo trên hệ thống truyền thanh. Kết quả là đã có 3.166 hộ bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp được thụ hưởng.

Theo kế hoạch, thời gian tiến hành hỗ trợ cho các hộ dân kết thúc trước 31-7-2016. Tuy nhiên đến cuối tháng 10 công tác hỗ trợ mới được hoàn thành. Lý giải nguyên nhân chậm trễ, các địa phương cho biết do số đối tượng nằm trong diện thụ hưởng nhiều, địa phương cần có thời gian rà soát, thống kê thật chính xác nhằm bảo đảm đúng đối tượng.

Được biết toàn bộ số tiền hỗ trợ là do Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh trao tặng. Trước đó, trung tuần tháng 5-2016, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp đến thăm, tặng 100 phần quà (mỗi phần gồm 500.000 đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm) cho các gia đình khó khăn trên địa bàn xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar).     

 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.