Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng: Nỗ lực đưa nghề đến với nông dân

10:10, 23/12/2016

Dạy nghề phù hợp với nhu cầu của nông dân, linh động đưa nghề về thôn, buôn, biên soạn giáo trình phù hợp với khả năng tiếp thu của người lao động là những nỗ lực của Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng nhằm đưa nghề đến với nông dân.

Mặc dù cũng biết nghề xây dựng nhưng chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên năm 2014, được ban tự quản buôn thông báo có lớp dạy nghề xây dựng dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng, anh Y Diên Niê Kdăm ở buôn Ur (thị trấn Krông Năng) đã đăng ký tham gia. Sau 6 tháng anh được cấp chứng chỉ nghề, đi làm thợ xây 1 năm và 2 năm sau đã đứng ra nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương, trong đó có 4 người học cùng khóa với anh. Anh Y Diên cho biết, qua lớp học nghề anh có kiến thức căn bản về nghề xây dựng, củng cố thêm một số kỹ năng nên hành nghề tự tin hơn với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng.

Để canh tác 1,5 ha cà phê xen tiêu, gia đình anh Nguyễn Văn Đức ở xã Đliê Ya đã mua sắm máy cày phục vụ sản xuất. Trước đây, mỗi lần máy hỏng, anh phải nhờ người đến sửa mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Năm 2015, sau khi học xong nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng, anh đã có thể “bắt bệnh” và sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, biết bảo dưỡng máy và vận hành an toàn trong quá trình lao động.

Anh Y Diên Niê Kdăm (bên phải) trao đổi với chủ nhà về tiến độ xây dựng công trình do anh làm chủ thầu.
Anh Y Diên Niê Kdăm (bên phải) trao đổi với chủ nhà về tiến độ xây dựng công trình do anh làm chủ thầu.

Qua tìm hiểu được biết, hằng năm, căn cứ chỉ tiêu lớp đào tạo nghề được phân bổ, Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn xác định đối tượng, địa bàn cần tuyển sinh đào tạo; tuyên truyền các chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, kế hoạch đào tạo nghề của các cấp; triển khai công tác tuyên truyền tuyển sinh và nắm bắt cụ thể nhu cầu của nông dân.

Anh Y Yô Rim Niê Kdăm, giáo viên dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia đầy đủ quá trình đào tạo, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã linh động tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại thôn, buôn giúp bà con có thể vừa học, vừa làm. Trong quá trình giảng dạy, tùy theo khả năng tiếp thu của từng đối tượng như  người dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc thiểu số phía Bắc, người Kinh, Trung tâm sẽ biên soạn, điều chỉnh giáo trình phù hợp với khả năng tiếp thu của họ.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng theo đánh giá của Trung tâm, việc triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Trước tiên là công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách này hoặc chỉ đăng ký học nghề theo phong trào, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Hơn nữa, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp so với nhu cầu. Trung tâm chưa có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là giáo viên hợp đồng thỉnh giảng nên đôi khi cũng bị động trong việc tổ chức lớp học. Một số nghề phi nông nghiệp còn thiếu thiết bị giảng dạy, kinh phí bố trí cho công tác đào tạo nghề còn hạn chế và thường cấp chậm cũng gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề.

Theo ông Huỳnh Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, sắp tới, Trung tâm sẽ tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy nghề, bổ sung chương trình, giáo trình sát với nhu cầu người học. Đồng thời, tăng cường quản lý lĩnh vực dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhu cầu thị trường lao động và tiềm lực của địa phương. Trung tâm cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư mua sắm mới trang thiết bị, bố trí kịp thời kinh phí đào tạo và đội ngũ giáo viên cơ hữu.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Năng đã tổ chức được 26 lớp dạy nghề cho 905 lao động nông thôn. Nhìn chung, sau khi học nghề, người lao động biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tìm được việc làm mới, có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình và góp phần giải quyết việc làm ở địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.