Multimedia Đọc Báo in

Cầu mới đón xuân sang!

16:53, 28/01/2017

Những ngày cuối năm cũ, người dân các xã Phú Xuân, Ea Đăh, Tam Giang (huyện Krông Năng) và các vùng lân cận cùng chung niềm vui hân hoan khi cây cầu mới bắc qua sông Krông Năng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thỏa lòng mong mỏi hàng chục năm nay...

Xóa cảnh “lơ lửng” cầu treo!

Những năm về trước, dọc sông Krông Năng đoạn qua 2 xã Phú Xuân và Ea Đăh, nhiều cầu treo do người dân địa phương tự làm để phục vụ việc đi lại, sản xuất. Mỗi lần lưu thông qua những cây cầu tạm, ai ai cũng thấp thỏm lo âu. Khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, không ít cầu bị nước cuốn trôi, mọi hoạt động đi lại đều bị chia cắt, gián đoạn. 

Cầu treo bắc qua sông chỉ đáp ứng việc đi lại của người dân với phương tiện xe máy, xe đạp, còn khi vận chuyển nông sản và phân bón có trọng lượng lớn thì phải chờ mùa nước cạn. Thực tế, đã có không ít người, phương tiện bị rơi xuống sông, bị lũ cuốn trôi khi qua các cầu tạm. Xây dựng một cây cầu kiên cố là ước mơ chung của hàng trăm hộ dân ở địa phương. 

Cầu mới nối liền 2 xã Phú Xuân - Ea Đăh (huyện Krông Năng).
Cầu mới nối liền 2 xã Phú Xuân - Ea Đăh (huyện Krông Năng).

Trước thực trạng đó, năm 2003, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường giao thông liên xã Tam Giang - Phú Xuân (thời điểm này chưa tách Ea Đăh khỏi xã Tam Giang, hiện nay là đường liên xã Ea Đăh - Phú Xuân), trong đó, bao gồm 2 hạng mục, đường nhựa và cầu bê tông cốt thép. Riêng hạng mục đường (gói thầu số 2) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010, còn cầu (gói thầu số 1) do thiếu vốn nên chưa được triển khai. Đến năm 2014, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh hạng mục cầu thuộc dự án nói trên, chính thức khởi công vào tháng 11. Nhận thấy lợi ích lâu dài khi triển khai xây dựng cây cầu này, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng về giải phóng mặt bằng ở 2 đầu cầu đều vui vẻ chấp nhận phương án bồi thường, tự nguyện tháo dỡ bờ tường kiên cố, sớm bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công công trình. Ông Lê Văn Hóa, thôn Xuân Trường (xã Phú Xuân) nhớ lại: Khi nghe chủ trương làm cầu, gia đình ông cũng như những hộ dân khác mừng lắm. Vì thế, dù Nhà nước có lấy bao nhiêu đất, có phải dịch lùi bờ tường, nhà cửa gia đình cũng sẵn sàng. Tròn 20 năm sinh sống cạnh dòng sông Krông Năng, đã không biết bao nhiêu lần ông phải chứng kiến cảnh xe cộ, người dân, nông sản rơi xuống sông khi qua cầu tạm…

Dự án xây dựng cầu Tam Giang - Phú Xuân được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh (tỷ lệ 80%) và huyện (20%), do UBND huyện làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Phát Đạt thi công. Cầu được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, gồm 3 nhịp, dài 54 mét bắc qua sông Krông Năng, rộng 6,5 mét và đường 2 đầu cầu dài 430 mét.

Có mặt tại công trường vào một ngày cuối tháng 11-2016 - giai đoạn “nước rút” để hoàn thành các công đoạn cuối cùng của cầu sau tròn 2 năm thi công, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động sôi nổi, khẩn trương của anh em công nhân. Đại diện đơn vị thi công, anh Nguyễn Duy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Phát Đạt cho biết: Tranh thủ những ngày mùa khô, đơn vị đôn đốc anh em công nhân, huy động máy móc, thiết bị để công trình sớm đưa vào sử dụng. Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương đi lại thu hoạch cà phê, đơn vị đã cho phép người và các phương tiện thô sơ qua lại cầu. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đơn vị cắm biển cấm các loại xe tải lưu thông khi cầu chưa hoàn thành.

Nhịp cầu “chắp cánh” xã vùng III

Xã Ea Đăh nằm cách trung tâm huyện khoảng 8 km, khi chưa có cầu người dân phải đi vòng theo hướng xã Tam Giang, chiều dài gần 20 km. Ông Lê Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, Ea Đăh là 1 trong 3 xã vùng III của huyện Krông Năng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm khoảng 43% dân số. Xã có hơn 1.800 hộ, khoảng 8.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc chiếm hơn 50%. Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, với trên 3.000 ha cây trồng các loại, song do giao thông cách trở nên việc đi lại, giao thương, kết nối với trung tâm và các vùng lân cận gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngay khi có chủ trương làm cầu, người dân ai cũng phấn khởi, chờ đón ngày cầu thông thương. Hy vọng rằng, cây cầu sẽ mở ra cơ hội để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, rút ngắn khoảng cách với các vùng lân cận. Có cầu, con đường đến trường của các em học sinh trong xã đến trung tâm huyện cũng thêm gần và an toàn hơn khi mùa mưa lũ đến. 

Anh Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng thôn Xuân Trường (xã Phú Xuân) trải lòng, cầu hoàn thành, việc đi lại của người dân được thuận lợi, vận chuyển hàng hóa, nông sản trở nên dễ dàng hơn, các sản phẩm do bà con làm ra sẽ không bị tư thương ép giá. Thôn có 125 hộ sinh sống  thì đến khoảng 70% hộ có đất sản xuất bên xã Ea Đăh. Trước đây, để vận chuyển khoảng 1 tấn cà phê qua cầu treo, bà con phải mất gần 1 buổi chở xe máy, giờ cầu thông thương, chi phí, thời gian đưa sản phẩm thu hoạch về nhà giảm xuống rất nhiều.

Cùng với các công trình trọng điểm, huyết mạch của huyện như tỉnh lộ 3 sang huyện Ea Kar, Quốc lộ 29 đi Phú Yên, cầu Tam Giang - Phú Xuân sẽ kết nối, hoàn thiện thêm hạ tầng giao thông của Krông Năng, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc