Multimedia Đọc Báo in

Công đoàn Đắk Lắk đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh

09:34, 17/01/2017

Từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Đắk Lắk ngày càng vững mạnh, khẳng định vị thế và vai trò đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Công đoàn Đắk Lắk, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy PHẠM MINH TẤN xung quanh nội dung này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn.

* Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn và CNVCLĐ  trong sự phát triển chung của tỉnh thời gian qua?

Ngày 12-7-1975, Tỉnh uỷ Đắk Lắk ban hành Quyết định số 10/QĐ-TU về việc thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn tỉnh Đắk Lắk. Ngày 27-1-1977, Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành Quyết định số 104/QĐ/TCĐ chỉ định Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn lâm thời tỉnh Đắk Lắk.

Những ngày đầu thành lập với bộn bề khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự hướng dẫn, giúp đỡ của công đoàn cấp trên, sự phối hợp của các cấp, ngành, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đã cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh khẩn trương bắt tay vào công cuộc tái thiết tỉnh nhà, khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh Đắk Lắk từng bước phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Công đoàn tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức các phong trào thi đua, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đông đảo CNVCLĐ. Các cấp công đoàn đã giáo dục, bồi dưỡng hàng nghìn đoàn viên ưu tú giới thiệu với tổ chức Đảng xem xét kết nạp. Có thể khẳng định, qua 40 năm xây dựng và phát triển, bằng những hoạt động thiết thực và hiệu quả, giai cấp công nhân và Công đoàn Đắk Lắk luôn gắn liền, đồng hành và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà.

Phân xưởng may của Công ty Cổ phần may Đắk Lắk.  Ảnh: M. Thông
Phân xưởng may của Công ty Cổ phần may Đắk Lắk. Ảnh: M. Thông

* Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động và phát triển của tổ chức công đoàn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

40 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo mọi điều kiên thuận lợi nhất để Công đoàn tỉnh hoạt động hiệu quả thể hiện qua các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, văn bản ban hành; sự phối hợp giữa UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan với Công đoàn tỉnh; chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi đoàn viên và người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đồng thời, Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách đảm bảo về thành phần, số lượng và cơ cấu; chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp với công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, thu kinh phí công đoàn nhất là tại các doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, những năm gần đây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện về quỹ đất và một phần ngân sách của tỉnh để LĐLĐ tỉnh và một số huyện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc khang trang, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

* Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, công nhân lao động đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Vậy, đồng chí có thể cho biết các cấp công đoàn trong tỉnh cần có những đổi mới như thế nào nhằm thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động?

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ, động viên CNVCLĐ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận và làm chủ tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của tỉnh. 

Các cấp công đoàn phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng tư tưởng cho CNVCLĐ, chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động, tổ chức tốt việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động…

Ngoài ra, công đoàn phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và chủ sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và gương “người tốt, việc tốt” trong CNVCLĐ. Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước…

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc