Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"

09:30, 17/01/2017

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), các tổ chức công đoàn trong tỉnh còn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Qua đó đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Để phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp công đoàn trong tỉnh đã cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đặc điểm công việc của từng ngành, lĩnh vực với những cách làm hay, phù hợp. Điển hình như công đoàn ngành Giáo dục đã cụ thể hóa thành các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn như “Dạy tốt, học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không để học sinh không đủ chuẩn lên lớp”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”… nhằm phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, CNVCLĐ tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua những phong trào này, các cán bộ, nhà giáo tích cực nghiên cứu, tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học; chủ động đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Theo đó, số học sinh lên lớp và tốt nghiệp các cấp học luôn đạt tỉ lệ cao; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, phong trào thi đua được công đoàn ngành hướng vào mục tiêu làm theo lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, thực hiện tốt 12 điều y đức của ngành, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Từ phong trào thi đua, nhiều đơn vị trong ngành đã tiếp cận và làm chủ được các dịch vụ, kỹ thuật mới, khó trong khám chữa bệnh, tạo được niềm tin với người dân. Còn đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo tập trung vào nâng cao chất lượng làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” trong CNVCLĐ.

Cùng với việc cụ thể hóa phong trào thi đua lao động giỏi bằng những hoạt động phù hợp, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh còn phối hợp với các cấp chính quyền động viên CNVCLĐ đăng ký và thực hiện thành công các đề tài khoa học, giải pháp hữu ích gắn liền với thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực đối với các ngành, địa phương, cơ sở, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn.

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của CNVCLĐ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Xưởng  sản xuất  của Công ty Cổ phần  chế biến gỗ cao su  Đắk Lắk  (xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar).   Ảnh: Y. Ngọc
Xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần chế biến gỗ cao su Đắk Lắk (xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar). Ảnh: Y. Ngọc

Có thể thấy, phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo do LĐLĐ tỉnh phát động thực sự tạo động lực mạnh mẽ, giúp cho đội ngũ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh khẳng định được mình. Đến nay, đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, hàng trăm công trình sản phẩm có giá trị làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, đem lại hiệu quả, chất lượng cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đánh giá về phong trào thi đua này, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh cho biết: “LĐLĐ tỉnh luôn xem thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo là mũi nhọn đột phá trong tham gia thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước. Thông qua những phong trào này khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say trong lao động sản xuất và công tác của CNVCLĐ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để phong trào lan tỏa sâu rộng đến từng CNVCLĐ, các cấp công đoàn cần tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người lao động; đổi mới nội dung thi đua gắn với mục tiêu phấn đấu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, để thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của công đoàn với chính quyền, chủ sử dụng lao động nhằm tạo môi trường lao động thuận lợi để người lao động phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết trong cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ sản xuất, kinh doanh...”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.