Multimedia Đọc Báo in

Cư Pơng nỗ lực trong công tác giảm nghèo

10:10, 08/02/2017

Những năm qua, nhờ phát huy tối đa các nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, chính quyền xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) đã giúp người dân địa phương từng bước ổn định sản xuất, cải thiện đời sống, nhiều hộ dân đã  vươn lên thoát nghèo.

Khởi nghiệp chỉ với vài sào đất cằn cỗi, lại không có vốn đầu tư nên trước đây gia đình chị H’Lin Mlô ở buôn Ea Ruch thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2003, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình chị H’Lin được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng cà phê. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ sau vài năm, vườn cà phê của chị đã phát triển xanh tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi cà phê phát triển ổn định, năm 2006, gia đình chị đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội thêm 100 triệu đồng để phát triển mô hình đa cây. Nhờ chăm chỉ lao động, hiện tại với khoảng 2.000 gốc cà phê, 300 gốc bơ Booth và 900 trụ tiêu đã mang về cho gia đình chị thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.

Vườn tiêu của gia đình chị H’Lin.
Vườn tiêu của gia đình chị H’Lin.

Không chỉ riêng gia đình chị H’Lin, nhiều hộ dân ở Cư Pơng cũng đã vươn lên làm giàu nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Anh Y Khăm Mlô, một người dân ở buôn Ea Ruch cho biết, trước đây gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh cùng nhiều hộ khác đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng mới, cách phòng chống dịch bệnh, sâu hại, tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả… Nhờ vậy năng suất cây trồng ngày càng tăng, thu nhập của gia đình anh cũng dần ổn định. Từ một hộ nghèo của buôn, gia đình anh Y Khăm đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Y Kha M’lô, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã Cư Pơng có 2.500 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu trong đó 75% là người dân tộc thiểu số. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do canh tác theo phương thức cũ lạc hậu. Từ khi xã thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc lồng ghép các chính sách, dự án trong các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Chính phủ như Quyết định 123, 134, Chương trình 135, 167, 168… đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Toàn xã hiện có gần 4.000 ha trồng cây lâu năm như cà phê, tiêu, điều và tổng số vật nuôi trên địa bàn hơn 5.000 con. Trong tổng số 2.500 hộ dân thì đã có trên 50% số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có khoảng 15% số hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.Đến nay, xã đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

Theo ông Y Kha M’lô, để đạt được mục tiêu mỗi năm giảm từ 2,5 đến 3% hộ nghèo, xã Cư Pơng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân  tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó xã sẽ phối hợp với huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học nghề; tổ chức cho người dân tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Song song đó, xã cũng vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.