Phát huy hiệu quả vai trò đội ngũ cộng tác viên dân số
Là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành quả của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), thời gian qua, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân số.
Những “chân rết” đắc lực
Chị H’Bích Niê ở buôn Dhu, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đã có kinh nghiệm làm CTV dân số gần 17 năm. Sống trong vùng 100% dân số là đồng bào dân tộc Êđê, chị H’Bích hiểu được nỗi vất vả của bà con dân tộc mình khi sống trong cảnh “đông con, nghèo của”. Vì vậy, khi đảm nhận công việc, chị thường xuyên gần gũi, vận động, tuyên truyền các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ; cung cấp cho chị em phụ nữ những kiến thức về dân số, lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh… Với cách làm đó đã giúp nhiều người dần từ bỏ suy nghĩ sinh đông con, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, buôn Dhu không có người sinh con thứ ba trở lên; tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt trên 90%.
Chị H’Bích Niê, Cộng tác viên dân số ở buôn Dhu, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đang tuyên truyền chính sách dân số cho người dân. Ảnh: V. Thảo |
Đối với chị Nguyễn Thị Đào, CTV dân số phụ trách địa bàn 294 của buôn Kon H’Ring, xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar), “bí quyết” để làm tốt vai trò của một CTV trong suốt 7 năm qua là “đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng” để tuyên truyền. Quyển sổ nhỏ chị Đào luôn mang bên mình có ghi chép cụ thể về số hộ, nhân khẩu, số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trong địa bàn chị phụ trách... Các số liệu về trẻ sinh ra, giới tính của trẻ, những thông tin về lịch uống Vitamin A, tiêm phòng vắc-xin cho trẻ… cũng được chị Đào cập nhật thường xuyên để có biện pháp vận động các gia đình, chị em phụ nữ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ. Địa bàn chị Đào quản lý hiện đã có 80% số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 100% chị em phụ nữ trong độ tuổi được cập nhật kiến thức sinh sản…
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều CTV dân số điển hình phát huy tốt vai trò “chân rết” của ngành dân số tỉnh. Chính đội ngũ những CTV dân số đã giúp các chính sách DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, góp phần làm chuyển biến nhận thức của nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của Đắk Lắk giảm khoảng 1,5%; tỷ lệ tảo hôn trung bình mỗi năm giảm 4%; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng…
Nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ CTV
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.540 CTV dân số thường trú tại tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố trong tỉnh. Để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác DS - KHHGĐ, hằng năm, Chi cục đã phối hợp, chỉ đạo các Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ CTV. Nội dung tập huấn bao gồm các kiến thức về công tác DS - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; phương pháp truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách dân số ở cơ sở; cách thu thập thông tin và ghi chép sổ hộ gia đình…
“CTV dân số là “chân rết”, là “cánh tay” nối dài của ngành Dân số, vì hầu hết đều là người địa phương, gần dân, sát cơ sở, hiểu được các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nên đã phát huy tốt vai trò truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các chính sách về DS - KHHGĐ”
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục DS - KHHGĐ
|
Ngoài ra, mỗi khi triển khai đề án, mô hình mới về dân số, CTV lại được đào tạo sâu hơn ở lĩnh vực mà mô hình, đề án triển khai. Chẳng hạn, với mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, đội ngũ CTV dân số được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Với đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, CTV dân số được trang bị kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ mang thai về lợi ích của đề án và quy trình sàng lọc, kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân... Nhờ đó những năm qua, chất lượng đội ngũ CTV dân số ngày càng được nâng lên; thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ ở mỗi địa phương.
Cũng theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung, để có mạng lưới CTV dân số cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng đội ngũ CTV dân số cơ sở có năng lực, nhiệt tình trong công tác; có chế độ phụ cấp đảm bảo cho hoạt động này. Và hơn hết bản thân mỗi CTV dân số cần phải học hỏi, trau dồi kiến thức, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về DS - KHHGĐ, góp phần ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số từ cơ sở.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc