Bác sĩ của buôn làng
Cách đây 30 năm, cậu học trò nghèo người Êđê Y Hin Niê trở thành một trong những thanh niên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đầu tiên thi đỗ vào Học viện Quân y hệ chính quy là sự kiện đặc biệt ở buôn Cư Prao, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk).
Không phụ lòng tin của mọi người, sau 7 năm đèn sách, Y Hin tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và quân hàm Trung úy. Trước những cơ hội của cuộc đời, Y Hin không chút do dự xin về công tác tại Bệnh viện 48 (nay là Bệnh xá 48, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) với suy nghĩ: “Mang sức trẻ và tri thức góp phần xây dựng quê hương”.
Công tác ở khoa ngoại, Y Hin nhanh chóng khẳng định mình khi cùng đồng đội xử trí thành công hàng trăm ca bệnh nặng, được các thương binh, bệnh binh khâm phục. Nhắc lại ca mổ ruột thừa cách đây hàng chục năm, cựu chiến binh Lê Văn Trữ (huyện Krông Pắc) vẫn đầy cảm kích: “Lần ấy tôi bị sốt xuất huyết nặng, đang nằm truyền nước thì bụng bất ngờ lên cơn đau, ban đầu chỉ âm ỉ nhưng càng lúc càng dữ dội, ruột gan như có hàng ngàn con kiến lửa thi nhau cắn xé. Nửa đêm, thấy tôi đau quá, đơn vị cho xe chở thẳng lên bệnh xá cấp cứu. Sau khi siêu âm, phát hiện tôi bị áp xe ruột thừa đã vỡ mủ, bác sĩ Y Hin và kíp trực khẩn trương tiến hành ca mổ. Sự tận tình, chu đáo và y đức của các y, bác sĩ Bệnh xá 48 làm gia đình tôi rất xúc động. Ngày tôi xuất viện, anh Y Hin trực tiếp chở tôi ra tận bến xe, cho tiền để về nhà”.
Bác sĩ Y Hin khám bệnh cho đồng đội cũ. |
Kế thừa những bài thuốc quý của cha ông, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, ngoài phương pháp phẫu thuật, dùng thuốc Tây y, bác sĩ Y Hin rất chú trọng điều trị bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền để mang lại hiệu qua cao hơn. Nhiều lần gặp những ca bệnh nằm ngoài khả năng của bản thân và đơn vị như điều trị phẫu thuật bướu cổ đơn thuần, u xơ tử cung…, được sự cho phép của cấp trên, anh thường phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hội ý, phẫu thuật. Qua thực tế, tay nghề của Y Hin không ngừng được nâng lên, anh được cử đi học thêm chuyên khoa sơ bộ về chấn thương, chỉnh hình, ngoại bụng tại Bệnh viện Quân y 175. Không ít lần anh tự bỏ tiền túi mua sắm thêm các vật dụng như panh gắp ruột thừa, tua vít lục giác, kìm cắt đinh, khoan xương để phục vụ tốt hơn nhu cầu công việc chuyên môn.
Lần nào về Cư Prao, nơi mình sinh ra và lớn lên, Y Hin cũng đến từng nhà vận động bà con khi mắc bệnh tuyệt đối không được nghe lời thầy lang, thầy cúng kẻo “tiền mất tật mang”, phải đi khám và chữa bệnh đúng tuyến, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chú ý giữ gìn vệ sinh buôn làng sạch sẽ, không nuôi nhốt ga súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn, đi ngủ phải mắc màn, uống nước đã đun sôi. Anh chắt lọc các nội dung truyền thông về y tế phù hợp với đặc điểm của buôn mình để trò chuyện khiến bà con cảm thấy rất gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu và làm theo. Năm 2001, sau vụ bạo loạn chính trị do các thế lực phản động xúi giục một số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Y Hin được cấp trên tin tưởng phân công tham gia đoàn công tác vận động quần chúng về “điểm nóng” huyện Ea H’leo vận động nhân dân ổn định tư tưởng, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, không nhẹ dạ cả tin nghe lời kẻ xấu xúi giục. Với sự nhạy bén, cảnh giác của người thầy thuốc mặc áo lính, anh đã phát hiện và cung cấp thông tin để cơ quan chức năng bắt gọn 7 đối tượng cầm đầu, lôi kéo người dân tham gia bạo loạn. Lần ấy anh được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen.
Đầu năm 2017 vừa qua, bác sĩ Y Hin được nghỉ chờ hưu. Tài sản lớn nhất sau 30 năm công tác của anh chính là những tấm giấy khen, bằng khen, danh hiệu được anh giữ gìn cẩn thận. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh trong khu tập thể Quân đội trở thành điểm giao lưu thường xuyên của các thầy thuốc hưu trí trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều đồng đội khi đau ốm vẫn đến nhờ anh thăm khám, tư vấn, với ai anh cũng rất nhiệt tình.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc