"Lời ru buồn" ở Hòa Phong
Mặc dù còn ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” song những đứa trẻ dân tộc Mông tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã lấy vợ, lấy chồng và làm bố, làm mẹ khi mới 13 - 14 tuổi. Để rồi từ đó, cái vòng luẩn quẩn của hủ tục lạc hậu, đói nghèo cứ đeo bám mãi.
Người dân tộc Mông ở xã Hòa Phong hiện có 468 hộ với trên 3.000 nhân khẩu (sinh sống tập trung tại 2 thôn đặc biệt khó khăn là Noh Prông và Ea Khiêm), nhưng có đến 384 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 82%). Một trong những nguyên nhân khiến đói nghèo đeo bám họ chính là nạn tảo hôn, đông con. Rất nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng sinh tới 5-7 đứa con.
Luẩn quẩn đói nghèo
Theo chân anh Hầu Văn Phình, Phó trưởng thôn Noh Prông, chúng tôi ghé thăm những “gia đình trẻ con” của các hộ người Mông trong thôn. Với suy nghĩ “đông con hơn đông của” nên mới 45 tuổi, ông Đào Văn Thanh đã có 6 người con, 2 con dâu và 4 đứa cháu. Tất cả 14 nhân khẩu đều sinh sống trong căn nhà vách nứa, nền đất, mái lợp tôn rộng chừng 40 m2. Trong nhà chỉ có 6 chiếc sạp tre tự đóng thành giường kê sát nhau hai bên và ngăn cách bằng những tấm rèm vải ố vàng nhàu nhĩ; có một lối đi nhỏ giữa nhà để chiếc bàn và 3 cái ghế đẩu cũ kỹ. Thấy có khách lạ, những đứa trẻ mặt lấm lem ngơ ngác đứng núp sau khe cửa nhìn theo không nói gì...
Những đứa trẻ nheo nhóc ở Hòa Phong. |
Hai cậu con trai của ông Thanh là Đào Văn Hành (SN 1990) và Đào Văn Sình (sinh năm 1996) lấy vợ từ khi 16 - 17 tuổi, nay đều đã có 2 con. Sình tâm sự: “Trước khi cưới vợ, em còn đi học, chơi cùng bạn bè trang lứa, thích lắm. Nhà đã nghèo, đến khi cưới vợ xong rồi sinh con lại càng nghèo hơn. Có những hôm phải ăn sắn, rau thay cơm đấy. Con cái nheo nhóc nên vợ chồng em hay cãi nhau lắm”.
Cách đó không xa là nhà vợ chồng em Lý Văn Anh (SN 1996, cưới nhau từ khi Anh mới 16 tuổi và vợ 13 tuổi, nay đã có 2 con), cũng đang ở chung với bố mẹ và 5 đứa em nhỏ. Do kinh tế khó khăn, cả gia đình 3 thế hệ chỉ trông chờ vào 3 sào rẫy sắn, năm được năm mất nên thường xuyên thiếu đói. Hai vợ chồng đều đang ở cái tuổi ăn, tuổi chơi nhưng bỗng chốc phải gánh vác việc nương rẫy và con cái khiến cho Anh chìm sâu vào sự chán nản, ít quan tâm đến cuộc sống gia đình. Nhiều hôm, Anh đi quanh thôn nhậu nhẹt từ sáng đến tối mịt mặc cho vợ và các con nhịn đói. Anh hồn nhiên chia sẻ: “Em không hề biết lấy vợ chồng sớm là trái pháp luật. Chỉ thấy ưng cái bụng nhau là cưới, không cần đăng ký kết hôn. Gia đình hai bên không những không cấm cản mà còn tổ chức tiệc cưới linh đình”.
“Đau đầu” tìm lời giải cho nạn tảo hôn
Thực trạng tảo hôn và đông con ở vùng đồng bào người Mông, xã Hòa Phong diễn ra nhức nhối trong nhiều năm nay, kéo theo đó là đời sống kinh tế của nhiều gia đình cứ mãi quanh quẩn trong khó khăn nghèo đói, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao (chiếm 90%). Đồng thời, việc kết hôn sớm dẫn đến những hệ lụy về sức khoẻ, tâm lý của các ông bố, bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên vì sau khi kết hôn, các em phải gánh trên vai trách nhiệm quá nặng nề, vượt quá sự hiểu biết, dẫn đến xảy ra nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình.
Do nhiều thế hệ ở trong một nhà nên những chiếc giường kê sát nhau phải có rèm che cách. |
Ông Nguyễn Nguyên Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu nên tình trạng lớp trẻ người Mông tại địa phương đến với nhau như vợ chồng trước tuổi hôn nhân xảy ra nhiều. Ở đây, mỗi năm thường có khoảng 20- 25 trường hợp cưới nhau, nhưng có tới 85% là tảo hôn; số hộ sinh con thứ 3 trở lên cũng có khoảng 20 - 25 cặp. Nhiều cháu thiếu niên bỏ học sớm, tự nguyện đến với nhau, rồi sinh con đẻ cái như một lẽ tự nhiên và những đứa trẻ được sinh ra không có giấy khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế vì bố mẹ không có giấy đăng ký kết hôn. Đây là vấn đề nan giải mà các ngành chức năng huyện cũng như chính quyền xã còn “đau đầu”, chưa tìm ra cách khắc phục dứt điểm.
Theo ông Đồng, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục; chính quyền địa phương cũng triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… nhưng tình trạng tảo hôn, sinh đông con vẫn tiếp diễn.
Trước thực tế trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, tạo công ăn việc làm giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đó mới là giải pháp giải quyết tận gốc các hủ tục đang tồn tại ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk nói chung và thôn đồng bào Mông ở xã Hòa Phong nói riêng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc