Món đặc sản từ dãy Chư Yang Sin
Với mùi vị đặc trưng, lá bép, đọt mây đã và đang trở thành loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, dùng chế biến trong bữa ăn hằng ngày. Đây cũng là loại rau giúp không ít người dân quanh dãy Chư Yang Sin (huyện Krông Bông) mưu sinh.
Lá bép (hay còn gọi là rau nhíp, lá bột mì chính) có vị ngọt thanh, thơm, có quanh năm, có nhiều nhất là khi kết thúc mùa mưa Tây Nguyên chừng 1 tháng. Lá bép non có màu đỏ gạch, già màu xanh đậm. Thông thường, người M’Nông hay lấy lá bép tươi chế biến các món ăn quen thuộc như nấu canh, xào với cá khô, nấu với lá yao hoặc đem phơi khô để dùng dần trong những ngày không lên rừng được.
Cây mây thân dây, đọt mây có vị đắng, bùi. Theo cách chế biến truyền thống của người M’Nông, đọt mây hái về để nguyên nướng trên than củi, khi ăn tách nhẹ lớp vỏ bên ngoài, chấm với muối hạt, ớt hiểm. Cũng như lá bép, đọt mây thường được người dân dùng để xào với cá cơm khô. So với lá bép, đọt mây khó chế biến hơn. Theo kinh nghiệm của người M’Nông dưới dãy Chư Yang Sin, trước khi nướng đọt mây phải vặn cho dập, tay vặn vừa đủ lực để tránh bị gãy. Bởi nếu không vặn dập, khi gặp nhiệt độ cao, đọt mây không có lỗ thoát hơi sẽ bị nổ, ăn không ngon, khi nướng cũng phải trở tay liên tục để tránh bị cháy hoặc chín không đều.
Người dân chọn mua đọt mây tại chợ buôn Chàm A, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông). |
Ông Y Blê M’drang, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) kể, trước đây, khi còn trai trẻ, ông cùng đám bạn trong buôn 1 tuần lên núi Chư Yang Sin vài lần để hái lá bép, đọt mây về làm thức ăn cho gia đình. Ngày trước, các loại cây này nhiều vô kể, mỗi chuyến lên núi hái được mấy gùi về dùng dần. Lá bép hái về ăn không hết dùng lá chuối tươi gói lại để được 3 đến 4 ngày hoặc phơi khô, bỏ vào túi bóng, buộc kín lại ăn dần. Giờ nhiều tuổi không lên núi được nữa, mỗi khi nhà có khách ông bảo vợ ra chợ gần nhà mua lá bép, đọt mây về chế biến đãi khách.
Người M’Nông dưới dãy Chư Yang Sin không chỉ lên núi hái 2 loại rau này về dùng mà còn xem đó như là một nghề mưu sinh khi việc nương rẫy nhàn rỗi. Việc hái rau không phân biệt gái, trai, cứ người nào khỏe mạnh, khéo léo đều có thể làm được. Vào mùa, mỗi ngày 1 người lên núi có thể hái được 30 bó lá bép và đọt mây.
Thông thường, lá bép được chia thành bó hoặc mớ, giá bán 5.000 đồng/bó đủ nấu canh cho 4-5 người ăn, còn đọt mây được buộc dây lạt (khoảng 4 đọt), giá bán tại chợ 15.000 đồng/bó. Từ trung tâm huyện Krông Bông theo tỉnh lộ 12 qua các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao không khó bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương mang đầy gùi rau bép, đọt mây ra chợ bán. Tuy nhiên, để mua rau trực tiếp từ người đi hái, phải đến đúng thời điểm, tầm 7-8 giờ sáng hoặc 16 giờ chiều hằng ngày.
Hai tay thoăn thoắt xếp những bó lá bép non, còn dính nhựa vừa mới hái từ núi Chư Yang Sin xuống để kịp bán trong buổi chợ chiều, Chị H’Oanh Byă, buôn Chàm A (xã Cư Đrăm) chia sẻ, mỗi lần lên núi hái rau, chị thường rủ thêm mấy người trong buôn đi cùng để nếu chẳng may bị tai nạn gì còn có người sơ cứu, đưa về nhà. Muốn hái được nhiều lá bép, đọt mây, người trong buôn phải chuẩn bị cơm từ tối hôm trước để mang theo lên núi, thường bắt đầu từ 5 giờ sáng hôm sau, nếu gặp khu vực nào nhiều bụi mây, cây bép thì có thể về tầm 3 giờ chiều, cũng có người chập choạng mới về đến nhà. Bữa nào hái được nhiều thì khoảng 20-30 bó, có ngày chỉ được 5-10 bó đem bán mua gạo.
Thông thường người dân chỉ bày bán dọc 2 bên đường gần khu vực chợ, chủ yếu cho dân buôn gom hàng mua sỉ bán lại kiếm lời. Chị Trần Thị Hồng Thắm, một tiểu thương tại chợ buôn Chàm A (xã Cư Đrăm) cho hay, mỗi ngày chị bán được khoảng 100 bó lá bép, đọt mây, khi gặp khách nơi khác đến thì số lượng gấp đôi, gấp ba, phải gọi trực tiếp người dân mang rau đến. Là đầu mối chuyên mua, bán 2 loại rau này nên một số nhà hàng trong tỉnh khi có nhu cầu thường gọi điện báo trước nhờ chị gom hàng. Đây là loại rau bán chạy nhất trong các mặt hàng rau củ ở sạp của chị, không chỉ vì mùi vị thơm ngon đặc trưng mà còn có xuất xứ thu hái từ tự nhiên, an toàn cho người sử dụng.
Ngày nay, lá bép, đọt mây không chỉ là món ăn “riêng” của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên mà đã trở thành món đặc sản trong các nhà hàng, quán nhậu. Do vậy, việc chế biến lá bép, đọt mây cũng có sự cải biến, nhưng vẫn giữ được vị ngọt, đắng, đặc trưng vốn có của rau rừng.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc