Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác dân số - KHHGĐ ở Ea Na

07:26, 31/03/2017

Trong những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra khá phổ biến và trở thành thách thức không nhỏ trong công tác dân số - KHHGĐ ở xã Ea Na (huyện Krông Ana).

Xã Ea Na hiện có hơn 3.000 hộ với 13.100 nhân khẩu sinh sống ở 8 thôn và 4 buôn; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40% dân số. Trong những năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên xảy ra rất nhiều ở tất cả các thôn, buôn trong xã. Theo thống kê, năm 2015 toàn xã có 28 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, năm 2016 có 26 trường hợp, còn từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã có 4 trường hợp. Việc sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến là do nhiều người dân ở Ea Na vẫn quan niệm “sinh đông con là nhiều của”, sinh đông để sau này có lao động làm việc… nên họ cứ sinh theo cách tự nhiên mà không áp dụng biện pháp tránh thai. Chị H’Thảo Êban, cán bộ dân số xã Ea Na cho biết: “Trong xã hiện có 2.528 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng; trong số đó có 873 chị chưa sử dụng biện pháp tránh thai hoặc… tự kế hoạch, trong đó có nhiều người đã sinh 2 con, sinh con thứ 3 trở lên… khiến nguy cơ “vỡ kế hoạch” rất dễ xảy ra”.

Thực tế ở xã Ea Na cho thấy, thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu đất canh tác cùng với sinh đông con đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, thậm chí túng thiếu; chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống rất thấp. Như chị H’Ngưi Niê (buôn Tơ Lơ) có đến 6 người con trong khi không có đất sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cả 6 đứa con của chị lần lượt bỏ học khi chưa hết lớp 6, ở nhà phụ giúp bố mẹ rồi đi làm thuê, làm mướn và lập gia đình sớm, lặp lại vòng luẩn quẩn “đông con – nghèo khó” của bố mẹ. Cả 3 người con gái của chị H’Ngưi đều lấy chồng khi mới 15-16 tuổi; trong đó, cô út H’Blin có chồng khi mới 15 tuổi và đã có một đứa con. Con của H’Blin thường xuyên đau ốm và bị suy dinh dưỡng do không có điều kiện chăm sóc. Còn chị H’Blum Niê (buôn Chóa) đã có 8 người con; trong đó, 3 người con đầu đã lấy vợ. Năm 2014, chồng của chị H’Blum bỏ nhà ra đi, để mình chị gồng gánh nuôi 5 con nhỏ. Đông con khiến cuộc sống của gia đình chị cứ thiếu trước, hụt sau; các con lớn dần lên trong cảnh thiếu ăn nên đều bị suy dinh dưỡng và học tập kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Theo thống kê, năm 2016 xã Ea Na có đến 633 hộ nghèo; 344 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (chiếm 14,28%)… Dù chính quyền, đoàn thể xã Ea Na đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên như: tăng cường truyền thông về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số;  tổ chức các buổi họp nhóm, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, phòng chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; thường xuyên đến từng hộ gia đình tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại và cung cấp phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu… song các biện pháp dường như chưa phát huy hiệu quả. 

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.