Xây dựng nếp sống đẹp từ mô hình dòng tộc văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có khoảng 50 họ, chi nhánh dòng tộc có nhà thờ tổ hoặc từ đường, tập trung chủ yếu tại các xã Hòa Xuân, Hòa Khánh, Ea Kao, Hòa Thắng, Hòa Phú...
Mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi dòng họ có thể khác nhau nhưng tựu trung vẫn là tập hợp con cháu trong gia tộc để cùng cam kết thực hiện những nội dung trong quy ước về truyền thống gia phong, phẩm chất đạo đức, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”...
Một người khó cả họ cùng lo
Ông Trịnh Xuân Chính ở thôn 2, Trưởng chi họ Trịnh Xuân ở xã Ea Kao cho biết, từ năm 2002, một số gia đình thuộc dòng tộc Trịnh Xuân từ huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) vào xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột định cư. Đến năm 2005, được sự đồng ý của họ tộc chính, các gia đình đã họp bàn thành lập chi nhánh riêng, đồng thời đặt nhà thờ tổ tại gia đình ông Chính. Từ 10 hộ ban đầu, đến nay chi nhánh này đã có 22 hộ, với 66 đinh. Theo ông Chính, ngoài thực hiện nghiêm túc việc thờ cúng tổ tiên dòng họ, duy trì những văn hóa truyền thống của gia tộc, các gia đình trong dòng tộc còn đoàn kết, tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng đời sống trên tinh thần “Một người khó cả họ cùng lo”. Hiện nay, chi nhánh họ Trịnh Xuân ở xã Ea Kao không còn hộ nghèo, các gia đình đều có kinh tế từ trung bình khá trở lên.
Ông Trịnh Xuân Chính ở thôn 2, Trưởng chi họ Trịnh Xuân ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) bên bàn thờ tổ. |
Bên cạnh đó, hằng năm các gia đình trong họ tộc còn tự nguyện xây dựng Quỹ khuyến học - khuyến tài, với số tiền duy trì thường xuyên hằng năm trên 10 triệu đồng. Việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ này cũng khá chặt chẽ, chủ yếu là cấp phát học bổng, tặng thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt, biểu dương, động viên con cháu trong gia tộc học tập. Riêng năm 2016, Quỹ khuyến học đã trích gần 2 triệu đồng để mua quà, phần thưởng là bút vở, cặp sách tặng 19 cháu học sinh, sinh viên học giỏi.
Dòng họ tự quản về an ninh trật tự
Những năm gần đây chi họ Nguyễn Như ở xã Hòa Khánh cũng đã triển khai hiệu quả mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa mới”. Đây là chi họ được tách từ họ tộc chính tại tỉnh Quảng Nam, thành lập từ năm 2003, hiện có 50 hộ, 150 đinh. Theo ông Nguyễn Như Khương trú thôn 19, Trưởng chi họ Nguyễn Như, ngay từ khi đi vào hoạt động, các gia đình trong dòng họ đã xây dựng quy ước riêng phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của địa phương; phát huy vai trò của gia đình, thành viên trong họ bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa mới; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc của dòng họ… Qua thực hiện mô hình nói trên, nhiều năm nay, các gia đình trong chi họ Nguyễn Như tại xã Hòa Khánh không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật; 100% các gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột.
|
Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hầu hết các dòng họ, chi nhánh dòng tộc trên địa bàn thành phố đều hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác và tự quản. Nhiều dòng tộc đã tích cực trong việc phối hợp cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương xây dựng nhiều mô hình, việc làm thiết thực để vận động người dân tự quản về an ninh trật tự; không sinh con thứ ba trở lên; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; mô hình dòng tộc 3 không: “Không thất học - không đói nghèo - không tội phạm”. Từ mô hình xây dựng dòng tộc văn hóa đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, TP. Buôn Ma Thuột có 67.744/75.422 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 90% dân số); 211/248 thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 84%).
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc