Multimedia Đọc Báo in

Chợ Quảng Phú tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

07:36, 03/04/2017

Nằm ở trung tâm huyện Cư M’gar, chợ Quảng Phú tập trung đông tiểu thương buôn bán, với một khối lượng hàng hóa lớn, song hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được quan tâm đúng mức, nguy cơ cháy nổ cao.

Chợ Quảng Phú gồm khu A và khu B, có diện tích mặt bằng tổng thể 4.020 m2 . Trong đó khu chợ A bao gồm chợ lồng (diện tích 1.680 m2) với 98 sạp, 16 ki ốt và nhà chợ tạm có diện tích khoảng 620 m2. Khu chợ B gồm nhà lồng chính (diện tích 1.344 m2) với 136 lô sạp, nhà lồng bán hàng tươi sống rộng khoảng 336 m2 (52 sạp) và công trình phụ có diện tích 40 m2. Đây là chợ loại 2 nhưng chỉ có khu B đã được thẩm duyệt về PCCC, còn khu A chưa thẩm duyệt, đồng nghĩa là khu chợ này chưa xây dựng các phương án PCCC cũng như chưa có quy hoạch chi tiết sơ đồ hệ thống giao thông cho phương tiện cứu hỏa ra vào làm nhiệm vụ.

Thị sát khu vực này dễ dàng nhận thấy tình trạng mất an toàn về PCCC xảy ra rất phổ biến: nhiều tiểu thương chiếm dụng lối đi, bày bán hàng hóa, gây ách tắc, cản trở giao thông; các nhóm hàng được bố trí, bày bán tùy tiện, không bảo đảm an toàn khoảng cách về PCCC. Bên cạnh đó một số tiểu thương thiếu ý thức còn tự ý xây, cơi nới, thậm chí đổ bê tông kiên cố, rào quanh họng nước chữa cháy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ khi cháy nổ xảy ra. Cùng với đó hệ thống điện cũng không đảm bảo an toàn, khi các đường dây không được bọc trong đường ống bảo vệ và vệ sinh công nghiệp theo định kỳ, thậm chí nhiều hộ dân còn tự ý câu, mắc điện sử dụng cho sinh hoạt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do sự cố về điện. Ngoài ra các hành lang, lối thoát nạn trong chợ cũng chưa được lắp đặt đèn chiếu sáng, biển chỉ dẫn lối thoát nạn. Hệ thống báo cháy tự động trong chợ tuy đã trang bị song không hoạt động được.

Hàng hóa được tiểu thương chợ Quảng Phú bày bán ngay giữa lối đi.
Hàng hóa được tiểu thương chợ Quảng Phú bày bán ngay giữa lối đi.

Đáng nói là phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC chợ chưa được quan tâm đầu tư. Theo thống kê của Ban quản lý chợ, về phương tiện chữa cháy cục bộ, chợ có 146 bình chữa cháy xách tay bằng bột loại MFZ8, 24 bình chữa cháy loại xe đẩy MFTZ 3. Tuy nhiên qua kiểm tra của Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1, có đến 50 bình không bảo đảm chữa cháy do đồng hồ đo áp lực hỏng, vòi cũ hoặc bị mục nát, áp lực khí đẩy không đảm bảo… Đặc biệt lực lượng PCCC cơ sở tuy đã được thành lập song tất cả đều chưa qua đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cơ bản và không có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC của cơ quan chức năng. 

Để chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, thiếu sót trong công tác PCCC chợ Quảng Phú, mới đây nhất (ngày 12-1-2017), Phòng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu Ban quản lý chợ phải nhanh chóng, khẩn trương khắc phục, tuy nhiên đến thời điểm này những sai phạm trên vẫn chưa được khắc phục. Lý giải nguyên nhân chậm trễ, đại diện Ban quản lý chợ, ông Võ Văn Trung phân trần, Ban quản lý cũng chỉ mới tiếp quản chợ từ cuối tháng 9-2016 nên cần có thêm thời gian để xử lý, giải quyết dứt điểm.

Một vướng mắc trong công tác lập lại trật tự, giải tỏa các trường hợp cơi nới, lấn chiếm phục vụ công tác PCCC mà Ban quản lý chợ vấp phải đó là thái độ không hợp tác của một số tiểu thương. Nguyên nhân do chợ hình thành trong khu vực dân cư, nhiều hộ dân đã được cấp sổ hồng nên Ban quản lý không có thẩm quyền tháo dỡ phần diện tích họ tự ý xây thêm… Để giải quyết vướng mắc này, mới đây Ban quản lý chợ đã có tờ trình gửi UBND huyện về việc xin giải tỏa mặt bằng lấn chiếm, cơi nới tại những khu vực chợ A và B. UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND thị trấn Quảng Phú bố trí lực lượng, phối hợp với Ban quản lý chợ thực hiện việc giải tỏa những trường hợp trên nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và phục vụ công tác PCCC, song Ban quản lý chợ cho biết chưa thấy chính quyền địa phương có động thái gì.

Trong khi Ban Quản lý chợ chưa tìm ra phương án khả thi để giải quyết tình trạng này thì những nguy cơ cháy nổ tại chợ Quảng Phú vẫn hiển hiện, ngày ngày đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.