Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ huyện M'Đrắk giúp nhau phát triển kinh tế

08:14, 03/04/2017

Thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương Hội Liện hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong những năm qua, Hội Phụ nữ huyện M'Đrắk đã xây dựng nhiều mô hình mới để tập hợp, thu hút hội viên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Xã Cư Prao hiện có 1.050 phụ nữ, trong đó có 874 hội viên Hội Phụ nữ xã tham gia sinh hoạt tại 15 chi hội thôn, buôn. Với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, hầu hết các hội viên phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là thiếu vốn, kinh nghiệm. Hội Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, như: tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 686 hội viên vay trên 21 tỷ đồng; vận động hội viên  xây dựng được 21 nhóm tín dụng tiết kiệm, 15 tổ hùn vốn, 15 tổ góp vốn xoay vòng và “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, 2 tổ hùn vàng... với tổng số tiền trên 600 triệu đồng, qua đó giúp hơn 50 hội viên vay để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tính riêng năm 2016, toàn xã Cư Prao có 10 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, trong đó có 3 hộ thoát nghèo bền vững.

Phụ nữ xã Cư San (huyện M'Đrắk) giúp nhau khơi thông nguồn nước vào ruộng.
Phụ nữ xã Cư San (huyện M'Đrắk) giúp nhau khơi thông nguồn nước vào ruộng.

Ở xã Cư Mta, giúp phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế là nhiệm vụ được Hội Phụ nữ xã ưu tiên hàng đầu. Hằng năm, Hội Phụ nữ xã đều chỉ đạo rà soát hộ phụ nữ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới cái nghèo để đề ra kế hoạch giúp đỡ cụ thể từng hộ bằng nhiều hình thức như: giúp đỡ ngày công, cây con giống, tiền mặt không hoàn lại hoặc cho vay không lãi, lãi suất thấp, giúp vay vốn ngân hàng, vay quỹ chi hội… để phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã đã phát động nhiều hoạt động giúp hội viên phụ nữ nghèo được đông đảo hội viên tham gia như: Tiết kiệm trong chi tiêu, hũ gạo tình thương, hùn vàng… Thông qua các hoạt động trên, từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ xã Cư Mta đã xây dựng được 9 nhóm tín dụng tiết kiệm có 23 chị tham gia với số tiền 160 triệu đồng giúp 50 chị vay; 2 tổ hùn vốn, 1 tổ tiết kiệm vàng được 35 triệu đồng và 3 chỉ vàng, giúp 6 chị vay; vận động được 1.800 kg gạo hỗ trợ cho 6 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 8 tỷ đồng giúp cho 312 chị vay; giúp 114 ngày công lao động cho 14 chị có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm (2011-2016), đã có 6 gia đình hội viên phụ nữ ở xã Cư Mta vươn lên thoát nghèo bền vững và có cuộc sống ổn định.

Bà Phạm Thị Thu Dương, Chủ tịch Hội LHPN huyện M'Đrắk cho biết: Từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động tích cực triển khai thực hiện phong trào, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 39 nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, với số tiền trên 307 triệu đồng, giúp 72 chị vay; 23 tổ hùn vốn và giúp vốn với số tiền gần 200 triệu đồng giúp 45 chị vay; 11 tổ hùn thóc được 8.224 kg gạo hỗ trợ cho 12 chị. Ngoài ra, trong phong trào "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" và thực hành tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng, đến nay đã vận động được trên 315 triệu đồng giải quyết cho 260 chị vay. Các cấp Hội Phụ nữ còn tín chấp và ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với tổng số tiền hơn 106,8 tỷ đồng cho trên 4.000 hội viên vay... Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, trong năm 2016, các cấp Hội Phụ nữ đã thu hút 182 hội viên tham gia sinh hoạt hội, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.