Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những việc làm tử tế

15:46, 17/04/2017

Bên cạnh một bộ phận người dùng coi mạng xã hội (MXH) chỉ là nơi tán gẫu, giải trí…, có không ít người biết tận dụng sức mạnh của thế giới ảo vào những việc làm hữu ích cho bản thân và xã hội.

Hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện về cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt, 5 tuổi cùng mẹ đi lượm ve chai ở TP. Hồ Chí Minh có hành động đẹp là tự thân em xếp dép gọn gàng cho các học sinh đang học ngoại khóa đã làm rung động hàng triệu trái tim. Hành động đẹp trên vô tình được một người đi đường ghi lại bằng điện thoại và chia trên trang Facebook cá nhân với mục đích ban đầu chỉ để “suy ngẫm lại cách giáo dục con mình sau này”. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi hình ảnh của Đạt được chia sẻ trên mạng đã nhận được hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận. Nhiều người tìm cách liên hệ với chủ Facebook để xác minh thông tin và ngỏ ý muốn giúp đỡ cậu bé. Và cuối cùng, “trái ngọt” đã đến, Đạt được hai cô giáo tài trợ cho học miễn phí, các mạnh thường quân ủng hộ bằng hình thức tặng thức ăn ngon, bổ dưỡng. Còn mẹ Đạt được một công ty sữa nhận vào làm với mức lương ổn định. Đây quả là một cái kết có hậu, đầy tính nhân văn thể hiện sự tử tế trong cách hành xử của cậu bé và cộng đồng mạng.

Đại diện một nhóm từ thiện trao tiền ủng hộ cho gia đình em Kat Niê. Ảnh:Nhân vật cung cấp
Đại diện một nhóm từ thiện trao tiền ủng hộ cho gia đình em Kat Niê. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Không nói đâu xa, ngay tại Đắk Lắk – một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, nhiều cá nhân, câu lạc bộ (CLB) từ thiện hằng ngày chia sẻ thông tin, hình ảnh về những hoàn cảnh khó khăn lên trang MXH để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Đơn cử như trường hợp của em Y Kat Niê (ở thôn K'Bur, xã Hoà Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Y Wang bị té dập phổi, chấn thương sọ não phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk vào ngày 29-3. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng phải chuyển viện vào TP. Hồ Chí Minh mà gia đình thì quá khó khăn, không lo nổi chi phí đành buông tay xin đưa em về. Biết được sự tình, nhiều người đã đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhờ đó em đã được chuyển viện kịp thời …

Hay mấy ngày nay, chương trình “giải cứu” dưa hấu cho nông dân tỉnh Quảng Ngãi tại Đắk Lắk của hai CLB Tiếp Bước (TP. Buôn Ma Thuột) và Xmen (huyện Cư M’gar) diễn ra khá tích cực. Chị Nguyễn Thị Ái Ngân - CLB Xmen cho biết, lần đầu thực hiện chương trình giải cứu kiểu này chị  rất lo vì sợ không bán được dưa. Chị liền nghĩ đến cách đăng tải thông tin, hình ảnh lên MXH để kêu gọi và được rất nhiều bạn bè xa – gần, cả người chưa từng quen biết đã tìm đến mua dưa ủng hộ. Nên chỉ 2 ngày, 2 CLB đã bán hết 6 tấn dưa hấu. Trước đó, CLB Sức trẻ Tây Nguyên (Đắk Lắk) cũng đã bán giúp 10 tấn chuối Già hương quá lứa cho nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai)…

Như vậy có thể thấy, người dùng MXH ngày nay đã biết sử dụng sức mạnh cộng đồng mạng để lan tỏa những việc thiện lành, giúp ích cho xã hội. Họ đã làm chủ, là “tổng biên tập” trên chính trang mạng của mình và biết chọn lọc, đăng tải truyền đi thông điệp tốt lành, lan tỏa việc làm tử tế, từ đó giúp con người ngày càng có niềm tin hơn vào cuộc sống. 

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.