Multimedia Đọc Báo in

Buôn Tung 1 "khát" điện

07:34, 08/05/2017

Hơn 10 năm nay, người dân thôn Buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) phải sống trong cảnh thiếu điện sinh hoạt và sản xuất.

Từ con đường liên xã, đường dây điện lớn nhỏ được kéo chằng chịt vào các khu vực dân cư của thôn trên những cột điện bằng bê tông, sắt người dân tự bỏ tiền mua về dựng. Có những cột điện lâu ngày đã xiêu vẹo, dây thòng xuống gần sát đất. Ông Nguyễn Ngọc Côn, Trưởng thôn Buôn Tung 1 cho biết, đường dây điện này do bà con tự bỏ tiền mua cột, mua dây kéo vào nhà để sử dụng từ những năm 2004, lâu ngày không được sửa chữa nên đã xuống cấp. Đường điện do người dân tự kéo nên dây nhỏ, công suất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Chúng tôi đến gia đình ông Phạm Văn Bìa lúc 15 giờ - đây là thời điểm người dân đang bận đi làm đồng, ít sử dụng điện, nhưng chiếc quạt điện của gia đình ông cũng không đủ điện để quay hết công suất nên chẳng đủ mát. Ông Bìa bật máy bơm nước giếng để sinh hoạt nhưng nước chỉ chảy nhỏ giọt. “Những giờ cao điểm muốn bật cái quạt cho mát hay xem ti vi giải trí cũng đành chịu vì điện yếu, đến cái bóng đèn thắp sáng cũng leo lét chẳng hơn đèn dầu là mấy. Không chỉ thế, điện yếu còn khiến các thiết bị sử dụng điện trong gia đình thường xuyên hư hỏng”, ông Bìa phàn nàn.

Đường dây điện do người dân thôn Buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) tự đầu tư lâu ngày bị hư hỏng, mất an toàn.
Đường dây điện do người dân thôn Buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) tự đầu tư lâu ngày bị hư hỏng, mất an toàn.

Dù nguồn điện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng người dân ở đây phải trả một khoản tiền lớn để bù vào lượng điện hao hụt. Nguyên nhân là do mỗi nhóm khoảng 15 - 20 hộ chung nhau một đường dây điện kéo từ đường chính vào đến khu vực mình ở. Đường dây này đi qua một đồng hồ tổng. Khi đến khu vực dân cư, mỗi hộ dân sẽ có một đồng hồ riêng đo lượng điện của gia đình mình sử dụng. Cuối tháng tiền điện sẽ được thu dựa vào chỉ số đo trên đồng hồ tổng. Người dân ngoài trả tiền điện của gia đình mình đã sử dụng còn phải trả tiền chênh lệch hao hụt đường dây từ đồng hồ tổng đến đồng hồ nhà mình. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Bìa trong tháng 3-2017 sử dụng 41 KWh điện nhưng phải trả thêm 43 KWh điện hao hụt đường dây.

Ông Nguyễn Ngọc Côn cho biết, thôn có 132 hộ nhưng chỉ có khoảng 30 hộ nằm cạnh đường dây chính là có đủ điện để sử dụng, số còn lại cách xa đường điện chính cả cây số nên nguồn điện không đủ để sử dụng. Bà con ở đây đã kiến nghị nhiều lần lên cơ quan cấp trên mong muốn Nhà nước đầu tư đường dây điện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa có.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Nguyễn Đăng Trọng cho hay, toàn xã đang thiếu 22 km đường điện, trong đó thôn Buôn Tung 1 cần 2 km đường dây. “Có nguồn điện ổn định sẽ góp phần phát triển sản xuất cho bà con. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị và mong muốn cấp trên có sự quan tâm đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu điện của địa phương”, ông Trọng mong mỏi.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.