Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ huyện M'Đrắk học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

15:09, 19/05/2017

Trong những năm qua, Hội Phụ nữ huyện M’Đrắk đã tích cực triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Hội Phụ nữ huyện M’Đrắk hiện có trên 11.200 hội viên, sinh hoạt tại 173 chi hội. Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM luôn được Hội xác định là nhiệm vụ hàng đầu và trọng tâm gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Năm 2016, toàn huyện có 224 cán bộ và 10.690 lượt hội viên, phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, chiếm tỷ lệ 95%; đồng thời, có 13.126 lượt chị đăng ký thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng các mô hình, khơi dậy và phát huy tính tự giác, tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ làm theo gương Bác bằng những việc làm cụ thể như: Tiết kiệm điện, nước, chi tiêu trong gia đình, đất trồng rau sạch, tiết kiệm thời gian, sửa đổi lề lối trong làm việc, tiết kiệm vật tư, văn phòng phẩm, xăng xe trong cơ quan, tiết kiệm trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ...

Phen M’Drak mo heo dat.jpgu nu huy
Phụ nữ huyện M’Đrắk mổ "heo đất” giúp phụ nữ nghèo. 

Thực hành tiết kiệm, làm theo gương Bác, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện đã tiết kiệm bằng nhiều hình thức cụ thể như xây dựng các mô hình “Nuôi heo đất”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”... với tổng số tiền tiền trên 975 triệu đồng. Đến nay, Hội đã xây dựng được 132 mô hình “Ống tiền tiết kiệm” thu hút 5.123 thành viên tham gia với số tiền hơn 332 triệu đồng xét cho 202 chị vay; 278 mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” thu hút có 10.959 thành viên tham gia, huy động được 23.186 kg gạo hỗ trợ cho 409 chị có hoàn cảnh khó khăn; 188 mô hình “Nuôi heo đất” thu hút 7.550 chị tham gia, huy động được hơn 457 triệu đồng xét cho 284 chị vay... Bên cạnh đó, toàn huyện có 259 nhóm tín dụng tiết kiệm, 237 tổ hùn vốn, 42 tổ hùn thóc… với số tiền gần 3,7 tỷ đồng và 18.450 kg thóc cho 1.610 lượt hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Từ đó đã giúp 32 hội viên thoát nghèo bền vững.

Nhiều địa phương đã trở thành điển hình trong việc xây dựng các mô hình làm theo gương Bác. Như hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 1 (xã Krông Á) tự nguyện đóng góp 500.000 đồng/người/năm để xây dựng nguồn quỹ 42 triệu đồng làm vốn thực hiên chương trình “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”; qua đó đã giúp 42 lượt chị em hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Nguồn vốn xoay vòng, phần lãi ưu đãi được tích lũy phục vụ cho sinh hoạt phong trào, thăm hỏi, động viên hội viên ốm đau, khen thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi… Hay Hội Phụ nữ xã Ea Pil đã duy trì 27 tổ hùn vốn với số tiền 275 triệu đồng, 7 mô hình heo đất với số tiền gần 18 triệu đồng và 3 mô hình hũ gạo tiết kiệm 155 kg gạo... Qua đó giúp nhiều chị em có hoàn cảnh vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, 14/14 chi hội phụ nữ tại các thôn của xã Ea Pil đã xây dựng được mô hình cụ thể học tập theo gương Bác.

Có thể nói, việc học tập và làm theo Bác đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ huyện M’Đrắk từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.