Multimedia Đọc Báo in

Trở về từ lầm lỗi

10:59, 19/05/2017

Vượt qua quá khứ lầm lỗi, anh Y Brơi H’đấc (buôn Kơ Nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) nỗ lực lao động sản xuất, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Một ngày nắng hè oi ả, vợ chồng anh Y Brơi vẫn cặm cụi chăm sóc cây trồng. Biết có già làng Y Hơ Êban và đại diện các cơ quan, chính quyền địa phương đến thăm, anh chị vui lắm, nhiệt tình dẫn mọi người tham quan khu vườn đầy cây trái.

Còn nhớ, năm 2002, vì tin lời kẻ xấu, bị các đối tượng Fulrô lôi kéo, anh Y Brơi H’đấc và một số người dân trong buôn đã vượt biên trái phép. Vượt biên bất thành, anh và một số người lẩn trốn trên rừng, xấu hổ không dám về nhà. Rất may, anh được các cơ quan chức năng phối hợp, giúp đỡ đưa về địa phương giáo dục, kiểm điểm trước buôn làng rồi về với gia đình.

Già làng và cán bộ các cấp đến thăm, chuyện trò cùng gia đình chị H’Linh Adrơng.
Già làng và cán bộ các cấp đến thăm, chuyện trò cùng gia đình chị H’Linh Adrơng.

Hơn ai hết ở trong buôn, già làng Y Hơ Êban hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện nhất, nên đã thường xuyên cùng cán bộ các cấp đến nhà, động viên, răn dạy Y Brơi phân biệt phải trái. Những buổi già đến nhà chuyện trò, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, động viên gắn bó với buôn làng… đã giúp anh từ bỏ suy nghĩ đi theo kẻ xấu.

Ngoài già làng Y Hơ Êban, bên cạnh Y Brơi còn có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, người thân, gia đình, đặc biệt là vợ con. Với cách giáo dục chân thành, “mưa dầm thấm lâu” của mọi người, anh Y Brơi trở lại cần mẫn làm ăn, sống có trách nhiệm hơn với gia đình.

Anh chị đã đồng lòng, thể hiện quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng hành động cụ thể. Ngoài tiền tiết kiệm được từ quán tạp hóa nhỏ, hai vợ chồng vay thêm vốn để đầu tư trồng xen canh tiêu và cà phê, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, lại chịu khó mở rộng diện tích sản xuất, nên vườn cây cho thu hoạch với năng suất cao. Từ chỗ sống trong cảnh thiếu thốn, anh chị đã tích góp xây dựng được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, mới đây, còn đầu tư thêm giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới vào mùa khô.

Chị H’Linh Adrơng, vợ Y Brơi xúc động: Nếu không có sự hỗ trợ, động viên của cán bộ, gia đình chúng tôi khó có được cuộc sống như bây giờ. Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế, nuôi con khôn lớn để không phụ sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là già làng Y Hơ Êban. 

Không chỉ anh Y Brơi H’đấc, nhiều người vượt biên trái phép bất thành ngày nào ở xã Ea Bar giờ đều tu chí, nỗ lực làm ăn, xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Hơn hết, sự quan tâm, giúp đỡ của già làng, cán bộ các cấp, địa phương đã giúp những người trở về từ lầm lỗi như anh Y Brơi có cơ hội vươn lên bằng chính công sức lao động của mình, không còn tin theo lời kẻ xấu.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.