Multimedia Đọc Báo in

Vận động người dân nông thôn tham gia BHXH tự nguyện: Còn nhiều khó khăn

09:58, 16/05/2017

Hiện nay, việc vận động người dân, nhất là ở nông thôn vùng sâu vùng xa của tỉnh, tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện rất khó khăn, số lượng người tham gia vẫn còn ít.

Đơn cử như tại huyện Krông Bông, trong số hơn 42.000 người trong độ tuổi lao động, đến nay số người tham gia BHXH bắt buộc là 3.200 người, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện mới có… 47 người. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác.

BHXH tự nguyện không phải là vấn đề mới mẻ bởi đã được quy định trong Luật BHXH 2006 và một lần nữa được xác định trong luật BHXH 2014. So với Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2016) đã mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc bỏ quy định khống chế trần tuổi tham gia; thay đổi quy định mức sàn thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện.

Cán bộ BHXH tỉnh trò chuyện với người dân về  lợi ích khi tham gia bảo hiểm  tự nguyện.    Ảnh: N. Xuân
Cán bộ BHXH tỉnh trò chuyện với người dân về lợi ích khi tham gia bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: N. Xuân

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu đã được hạ từ 22% mức lương cơ sở (1.210.000 đồng) xuống còn 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng); tức là, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng thay vì 266.200 đồng/tháng như trước kia. Trường hợp người lao động có thu nhập cao ổn định có thể chọn mức đóng cao hơn nhưng không quá 20 lần mức lương cơ sở. Phương thức đóng cũng đa dạng, người lao động có thể đóng hằng tháng, hằng quý, đóng 6 tháng hoặc 12 tháng một lần; trường hợp người lao động có một khoản thu nhập lớn mới phát sinh thì có thể đóng BHXH một lần cho nhiều năm về sau như là một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động nhưng mới có hơn 10 năm đóng BHXH thì có thể đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay khi đóng đầy đủ.

Chính sách thuận lợi như vậy song do công tác tuyên truyền, tư vấn đến người lao động còn nhiều hạn chế nên người lao động chưa nắm bắt đầy đủ các nội dung của BHXH tự nguyện, thậm chí có nhiều người còn nhầm lẫn giữa Bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp với BHXH!

Để tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH, kể từ 1-1-2018 Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần tiền đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng sau: hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo 30% tương ứng 46.200 đồng; hộ cận nghèo 25% tương ứng 38.500 đồng và 10% đối với đối tượng khác tương ứng 15.400 đồng/tháng. 

Do chênh lệch về tỷ lệ đóng (người tham gia BHXH bắt buộc đóng 26%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 18%, người lao động chỉ phải đóng 8%; người tham gia BHXH tự nguyện phải tự đóng 22% mức lương tự chọn) nên quyền lợi của hai đối tượng này cũng khác nhau. Người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi người tham gia BHXH bắt buộc ngoài hai chế độ trên còn được hưởng chế độ BHXH ngắn hạn như: chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đó cũng là lý do BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động.

 Bên cạnh đó, do mức thu nhập của lao động ở nông thôn còn thấp, chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi tình trạng thiên tai, mất mùa thường xuyên xảy ra có tính chu kỳ dẫn đến nguồn thu không ổn định nên khó tham gia BHXH. Mặt khác, BHXH tự nguyện là một chính sách dài hơi (phải tham gia đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu) nên trong nhiều năm qua, các đại lý thu mới chỉ tập trung vào lĩnh vực Bảo hiểm y tế, đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động còn e dè chưa dám tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng xuất phát từ trình độ dân trí còn thấp, đó là người lao động chưa quen với tư duy tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già.

Để  hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, thiết nghĩ  cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động (đặc biệt đề cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp) bằng nhiều hình thức trực quan gắn với tuyên truyền miệng có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội họp của các tổ chức đoàn thể, thôn, buôn khối phố, tổ dân phố về chính sách BHXH tự nguyện để người lao động nắm vững về chính sách này.

 Bên cạnh đó, BHXH các cấp thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho những người có nhu cầu làm đại lý thu, trên cơ sở đó mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện đến từng khu dân cư, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; chẳng hạn như điều chỉnh tỷ lệ đóng cũng như mức hỗ trợ của Nhà nước  đối với người tham gia BHXH tự nguyện để họ được hưởng thêm các quyền lợi ngắn hạn như đối tượng BHXH bắt buộc… 

  Mai Viết Tăng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.