Chàng trai Êđê lập nghiệp bằng nghề … MC
Thuở nhỏ, Mlơp Êban (SN 1987, người Êđê, ở buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) từng là “cây văn nghệ” tham gia sôi nổi các phong trào văn nghệ ở trường và địa phương.
Tốt nghiệp THPT, anh xuống Đồng Nai làm công nhân một thời gian sau đó quay về buôn vừa phụ gia đình làm rẫy vừa tự học máy tính và tiếng Anh rồi xin làm nhân viên bán hàng cho các đại lý kinh doanh trên địa bàn. Đến năm 2012, Mlơp tình cờ bén duyên với nghề MC.
Anh kể, năm ấy, một gia đình người Êđê trong buôn tổ chức đám cưới cho con, có mời cả khách người Kinh nên muốn tìm một người nói được tiếng Êđê vừa nói được tiếng phổ thông để giới thiệu chương trình. Thấy Mlơp nói tiếng phổ thông lưu loát, lại tự tin đứng trước đám đông nên gia chủ đến nhà nhờ. Không chút đắn đo, anh gật đầu đồng ý. Buổi tiệc diễn ra suôn sẻ, gia chủ tặng phong bì 100 nghìn đồng khiến anh rất vui và bất ngờ. Những lần sau, mỗi khi trong buôn tổ chức tiệc tùng, cưới hỏi, sinh nhật, mừng thôi nôi… mọi người đều tìm đến anh. Năm 2013, Mlơp tham gia khóa đào tạo người dẫn chương trình 3 tháng tại TP. Buôn Ma Thuột và chính thức bước vào nghề MC chuyên nghiệp.
Mlơp Êban trong một lần dẫn chương trình tiệc cưới. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Từng dẫn nhiều chương trình đám cưới, Mlơp nhớ nhất là lần dẫn cho một cặp đôi đặc biệt ở huyện Cư Kuin vào năm 2014. Cô dâu là người đã qua một lần đò, chú rể bị tật phải ngồi xe lăn. Họ vượt qua mọi rào cản để đến với nhau khiến anh rất xúc động. Mlơp cũng gặp những chương trình với các chủ đề bất ngờ như: “lễ gặp mặt hai bên”, nghĩa là đôi bạn trẻ này đã là vợ chồng, có con nhưng chưa tổ chức đám cưới; hay “mừng mua xe ôtô”; “mừng vô biên chế Nhà nước”… khiến anh lúng túng, phải gọi điện nhờ các đàn anh đi trước hướng dẫn nói sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhờ vậy, Mlơp được người dân tin tưởng, mời dẫn chương trình, sự kiện ở nhiều huyện khác nhau.
Nói về nghề, anh chia sẻ, MC đang là nghề “hót”, được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhưng để tồn tại với nghề thì cần có một cái “duyên”. Ngoài các yếu tố về ngoại hình chỉnh chu, giọng nói chuẩn, người dẫn chương trình phải luôn biết tự làm mới mình bằng cách không ngừng sáng tạo lời dẫn cho thật hấp dẫn, thú vị, lôi cuốn người nghe. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, anh dẫn 10-15 chương trình, thu nhập từ 500 – 800 nghìn đồng/đám. Thời gian rảnh, anh làm rẫy kiếm thêm thu nhập và tham gia các chương trình quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc