Multimedia Đọc Báo in

Chương trình thực tập sinh Nhật Bản: Mở ra cơ hội cho người lao động

09:13, 16/06/2017

Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã mở ra cơ hội cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.

Cơ hội việc làm

Sau khi thi đậu môn toán, thể lực, học tập tiếng Nhật, sát hạch, phỏng vấn thành công, tháng 11 – 2013, anh Dương Trường Giang (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đã được đi thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản trong 3 năm. Trong thời gian làm việc cho một công ty xây dựng cầu đường ở nước bạn với mức lương trung bình 17 triệu đồng/tháng, Giang tranh thủ học thêm tiếng bản xứ, tham gia kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Nhật Bản tổ chức và được cấp chứng chỉ quốc tế. Sau khi hoàn thành chương trình, ngoài số tiền tích lũy, Giang còn được hỗ trợ một khoản để khởi nghiệp. Quan trọng hơn, nhờ có chứng chỉ ngoại ngữ, cuối năm 2016, Giang đã được Công ty Du học Nhật Bản Việt SSE (TP. Buôn Ma Thuột) tuyển dụng làm giáo viên giảng dạy tiếng Nhật với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng. Được biết, 5 giáo viên dạy tiếng Nhật của công ty đều là những lao động đã tham gia Chương trình thực tập sinh Nhật Bản.

Anh  Dương Trường Giang làm giảng viên  môn  tiếng Nhật  tại Công ty  Du học  Nhật Bản  Việt SSE.
Anh Dương Trường Giang làm giảng viên môn tiếng Nhật tại Công ty Du học Nhật Bản Việt SSE.

Là một trong những người đã tham gia Chương trình thực tập sinh Nhật Bản từ năm 2013 đến 2016, anh Nguyễn Sơn (thôn 6, xã Hòa An, huyện Krông Pắc) cho biết, làm việc cho các công ty ở Nhật Bản, người lao động học hỏi được rất nhiều điều, từ việc tuân thủ giờ giấc, tác phong làm việc đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử, khả năng thích ứng với môi trường, áp lực công việc. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình, người lao động có cơ hội tìm việc làm theo chuyên ngành đã thực tập hoặc có thể làm phiên dịch, giảng dạy…

Được biết, anh Sơn đã được Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk tiếp nhận vào làm giảng viên tại Khoa Cơ khí và sẽ tham gia giảng dạy trong năm học 2017-2018. Với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy cũng như những kiến thức, kỹ năng tích lũy được trong quá trình tham gia thực tập sinh tại Nhật Bản, Sơn sẽ góp phần vào công tác đào tạo nghề của  trường và tham gia công tác tuyển sinh, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng cho sinh viên có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản theo chiến lược liên kết của trường với các doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu lao động. 

Còn khó khăn về tuyển dụng

Mặc dù Chương trình thực tập sinh Nhật Bản có nhiều ưu đãi; tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhưng thực tế số lao động đủ điều kiện tham gia chương trình chưa nhiều. Từ năm 2010 đến nay, trong số 230 chỉ tiêu được phân bổ, toàn tỉnh chỉ có 103 lao động đủ điều kiện tham gia các kỳ tuyển chọn và 49 người trúng tuyển. Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, nguyên nhân của tình trạng trên là do chương trình này bắt buộc lao động phải thi kiến thức toán, thể lực, phỏng vấn nên nhiều người không tự tin tham gia hoặc tham gia nhưng không trúng tuyển. Hơn nữa, một số lao động có năng lực, trình độ thấp, ý thức kỷ luật chưa cao, tác phong công nghiệp còn hạn chế, tiếp thu kiến thức chậm...

Để nâng cao hiệu quả Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản, thời gian tới, Sở LĐTBXH phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dạy ngoại ngữ và trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động. 

Nguyễn Xuân – Bích Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.