Mối nguy hại khi trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội
Mạng xã hội (Facebook, Zalo…) đang ngày càng phổ biến và trở thành “một phần không thể thiếu” đối với nhiều người. Tuy nhiên, việc gia tăng lượng trẻ em trong độ tuổi dưới 16 tham gia vào mạng xã hội và những hệ lụy từ nó khiến không ít bậc cha mẹ đứng ngồi không yên.
Hệ lụy từ mạng xã hội đối với trẻ
Mạng xã hội (MXH) được coi là nơi liên kết cộng đồng, kết bạn bốn phương, chia sẻ thông tin, bày tỏ suy nghĩ tình cảm... Không chỉ riêng cá nhân mà các tổ chức, doanh nghiệp đều có trang Facebook, Zalo… riêng, để giúp quảng bá thương hiệu của mình. Thực tế cho thấy, sức hút của MXH ngày càng lớn, ngay cả những trẻ mới học lớp 2 đã có thể sử dụng Facebook.
Theo Thượng tá Đinh Quang Thành, Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh), ngoài mục đích chia sẻ thông tin, giao lưu, kết bạn, rất nhiều cá nhân lợi dụng MXH để đăng tải những sản phẩm văn hóa đồi trụy như: phim sex, ảnh nóng, các clip bạo lực… để câu like. Tiếp xúc với những nội dung trên sẽ làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và kết quả học tập của trẻ. Điều đáng báo động hơn là một số cá nhân công khai tình yêu thái quá trên MXH với các hình ảnh thân mật, lời lẽ gợi dục; không ít cô cậu học trò lên MXH đấu đá, văng tục, chửi bới, đả kích lẫn nhau… dẫn đến những mâu thuẫn ngoài đời. Khi trẻ lên MXH làm quen kết bạn không thể tránh khỏi những trường hợp bị dụ dỗ, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật; những vụ xâm hại, dâm ô… gây tổn hại tâm lý và ảnh hưởng cuộc sống của các em.
Nhiều trẻ em mới chỉ trong lứa tuổi tiểu học đã sử dụng thành thạo Facebook. (Ảnh minh họa) |
“Dạo một vòng” MXH chỉ trong ít phút, có thể đếm được hàng chục, thậm chí hàng trăm tài khoản mà chủ sở hữu là những khuôn mặt học sinh non choẹt với toàn quyền sử dụng tài khoản mạng và có thể truy cập hay đăng tải bất cứ thứ gì mình muốn. Và đáng sợ thay, các em không hề biết được mình đang giao tiếp với ai hay đã chia sẻ điều gì có thể gây nguy hiểm cho bản thân. Bởi các em đang ở lứa tuổi tò mò, thích khám phá và chưa đủ nhận thức để biết được nên và không nên làm gì. Ngoài hình ảnh, người sử dụng MXH có thể công khai thông tin cá nhân của mình như: tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email… Và điều này vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu tiếp cận. Chưa kể chức năng tự động nhận diện vị trí có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu đã trót rơi vào “tầm ngắm” của tội phạm.
Các bậc cha mẹ nên làm gì?
Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay trẻ em rất nhanh nhạy với công nghệ, sử dụng thành thạo điện thoại, máy vi tính. Cho nên, việc trẻ sớm làm quen với MXH không còn quá xa lạ. Các bậc cha mẹ đôi khi vô tình cho con mình tiếp xúc quá sớm mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài. Chị L.T.T ở TP. Buôn Ma Thuột, là một giáo viên tiểu học có con gái học lớp 8. Để tiện liên lạc và quản lý con, chị đã cho cháu sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây chị thấy cháu chểnh mảng việc học hành. Qua theo dõi thì phát hiện con gái mình thường xuyên lên Facebook đăng hình ảnh, tụ tập bạn bè tán gẫu, có những tin nhắn tình tứ với bạn khác giới, thậm chí còn có những lời lẽ văng tục, chửi bậy mỗi khi có chuyện bực tức…
Tiến sĩ Xã hội học Trương Thị Hiền, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên khuyến cáo, khi trẻ em không lường trước được độ nguy hiểm trong lúc sử dụng MXH thì chính các bậc cha mẹ, anh chị, thầy cô với kinh nghiệm và sự hiểu biết cần phải là người hướng dẫn cho các em hướng đi đúng đắn. Mối đe dọa từ sự gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em chính là lý do các bậc cha mẹ cần có biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo không để trẻ em sử dụng MXH quá sớm. Quan trọng hơn cả, cha mẹ nên làm gương cho con trong việc kết nối với người thân quen qua MXH, khuyến khích trẻ giao lưu, tương tác trực tiếp hơn là phụ thuộc vào bàn phím điện thoại, máy tính. Đồng thời cần định hướng trẻ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoặc tìm niềm vui trong việc phụ giúp cha mẹ…
“Việc cấm đoán con không được sử dụng MXH là điều không dễ dàng, nhưng việc bố mẹ dành thời gian quan tâm, chỉ dạy và định hướng cho con mình để trẻ có những nhận thức đúng đắn khi tham gia MXH thì lại hoàn toàn có thể thực hiện. Ngoài sự quản lý của gia đình, nhà trường thì các tổ chức, đoàn thể cần có những chương trình giáo dục, hướng dẫn trẻ kỹ năng tiếp xúc với MXH; đồng thời cần tạo ra những sân chơi bổ ích nhằm thu hút trẻ…” - Thượng tá Đinh Quang Thành chia sẻ thêm.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc