Nỗi đau tai nạn lao động (Kỳ 1)
Tai nạn lao động đã trở thành nỗi đau dai dẳng bởi hậu quả để lại vừa là vết thương về thể xác, tinh thần và cả gánh nặng cho mỗi gia đình, xã hội. Để giảm thiểu nỗi đau này cần có những giải pháp căn cơ, trong đó phải kể đến sự chủ động phòng tránh của chủ sử dụng lao động và chính người lao động.
Kỳ 1: Gánh nặng tai nạn lao động
Đang là trụ cột, lao động chính trong gia đình, khi tai nạn ập đến, nhiều người đã trở thành tàn phế, cuộc sống ngày càng bế tắc, cơ cực…
Bỗng chốc trở thành người tàn phế
Mặc dù vụ tai nạn kinh hoàng đó đã xảy ra cách đây 15 năm nhưng mỗi khi nhắc lại, bà Nguyễn Thị Thắng ở tổ dân phố 9, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn cảm thấy rùng mình. Năm 2002, trong ca làm việc tại phân xưởng mủ cốm, Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ cao su, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, bà bị trượt chân ngã vào máy cán kéo mủ cao su và bị cán dập toàn bộ chân trái. Sau khi bị tai nạn, mặc dù được cơ quan, đồng nghiệp đóng góp, hỗ trợ các chi phí điều trị nhưng cuộc sống của 4 mẹ con bà vô cùng túng quẫn, cơ cực. Con gái đầu của bà đành nghỉ học đi làm phụ mẹ nuôi 2 em.
Sau khi bị tai nạn lao động, mọi sinh hoạt của ông Y Thuê Niê Kđăm đều cần bàn tay chăm sóc của vợ. |
Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày bị tai nạn, ông Y Thuê Niê Kđăm (công chức xã Hòa Đông), thường trú ở buôn Ea Kmat, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) vẫn chưa thể đi lại bằng đôi chân của mình. Vào ngày 16-3-2011, sau khi tham dự một cuộc họp ở huyện Krông Pắc, trên đường về, ông bị xe ôtô tông bị thương nặng, dẫn đến bại liệt. Để có tiền điều trị, ông đã xin thanh toán 16 năm công tác để lấy chế độ 1 lần, bán 4 sào rẫy và vay mượn thêm, nhưng vẫn không thể đi lại được. Từ một trụ cột chính trong gia đình, sau vụ tai nạn ông mất đi 92% sức khỏe, mọi sinh hoạt đều cần vợ chăm sóc, số tiền vay mượn vẫn chưa trả xong, khó khăn càng thêm chồng chất.
Những con số buồn
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 6 năm (2011 – 2016), trên địa bàn tỉnh xảy ra 94 vụ tại nạn lao động làm 38 người chết, 29 người bị thương nặng. Đây chỉ là con số chưa đầy đủ, bởi theo ông Lê Hạnh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTBXH, hằng năm, Sở đều gửi công văn đến các doanh nghiệp yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó có tai nạn lao động nhưng chỉ khoảng 2% doanh nghiệp chấp hành.
Nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra là do cả người sử dụng lao động và người lao động. Đơn cử như vụ tai nạn lao động xảy ra tại Nhà máy tinh bột sắn Ea Kar thuộc Công ty Cổ phần Lương thực vật tư nông nghiệp Đắk Lắk vào ngày 14-10-2016, người tử nạn là ông Lê Kim Sang. Theo kết luận của Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh, nguyên nhân chính là do nhà máy không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn để bị rò rỉ điện ở khu vực bể lọc nước; ông Sang không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, đi chân không trong quá trình làm việc. Một số vụ tai nạn dẫn đến chết người là do không thực hiện đúng các quy tắc an toàn lao động. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Trí, công nhân tổ cối xay, Xí nghiệp Việt Hà (thị xã Buôn Hồ). Vào ngày 19-3-2014, sau khi chỉnh sửa xong máy xay đá, anh Trí vận hành thử và phát hiện có cục đá cấn ở trong. Thay vì phải tắt cầu dao điện để lấy cục đá ra, anh Trí lại thò tay vào trong lúc băng chuyền vẫn hoạt động nên bị máy cuốn, gây tử vong.
Theo Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20-11-2014 thì trường hợp người lao động bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động, trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý cũng được hưởng chế độ tai nạn lao động.
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc